Ngày 12/1, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phối hợp với Ủy ban Nhân dân quận Long Biên tổ chức Lễ phát động triển khai thí điểm các mô hình chuyển đổi số thành phố và “Phường Chuyển đổi Số” trên địa bàn quận Long Biên.
100% các cơ quan triển khai ký số văn bản
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Minh Hải cho biết Hà Nội với quy mô hơn 10 triệu dân, việc triển khai Chuyển đổi Số trên địa bàn có không ít thách thức. Tuy nhiên, thời gian gần đây, đặc biệt trong hai năm 2022-2023, với sự quyết liệt chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền thành phố và sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân và cộng đồng doanh nghiệp đã tạo ra sự biến chuyển tích cực trong công tác tổ chức triển khai Chuyển đổi Số của các cơ quan Nhà nước.
Thành phố đã hợp nhất Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, Chuyển đổi Số thành một Ban chỉ đạo do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố làm Trưởng ban; tích hợp các kế hoạch thành một kế hoạch Chuyển đổi Số để thống nhất, đồng bộ trong tổ chức thực hiện và đôn đốc, kiểm tra, giám sát. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đào tạo, bồi dưỡng được tích cực triển khai trên nhiều phương diện và nhiều hình thức đa dạng. Các hoạt động, sự kiện được thành phố tổ chức triển khai được người dân, doanh nghiệp ghi nhận với quy mô, phạm vị rộng...
Hà Nội thí điểm ứng dụng công dân tương tác trực tiếp với các cấp chính quyền
Hà Nội đặt ra các chỉ tiêu như: 100% người dân, doanh nghiệp trên địa bàn chọn thí điểm được tiếp cận, sử dụng ứng dụng “Công dân Thủ đô Số”; trả kết quả nhanh chóng, kịp thời thông qua ứng dụng này.
Nhằm hỗ trợ tối đa người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước, đã ban hành Nghị quyết quy định về mức phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến (mức thu bằng “không”). Một số quy chế quan trọng được tham mưu ban hành như quy chế bảo đảm an toàn thông tin và hoạt động của các hệ thống thông tin của thành phố; Ban hành quyết định danh mục dữ liệu mở phục vụ người dân, doanh nghiệp…
Đáng kể, lần đầu tiên lãnh đạo Hà Nội đã thực hiện ký số hoàn toàn trên hệ thống phần mềm dùng chung Quản lý văn bản và Điều hành thành phố Hà Nội; 100% các cơ quan Nhà nước thành phố đã triển khai ký số văn bản trên hệ thống; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố 3 cấp được kết nối với Trung ương…
Trong năm 2023, một số mô hình Chuyển đổi Số đã được các đơn vị đề xuất, tổ chức triển khai thí điểm hiệu quả như: Thanh toán không dùng tiền mặt (“Tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt” của quận Hoàn Kiếm; tuyến đường thanh toán thông minh của Thị xã Sơn Tây; thanh toán không dùng tiền mặt tại các nhà trường, chợ, tại Bộ phận Một cửa quận, phường và chi trả lương hưu và người hưởng chính sách an sinh xã hội; ứng dụng mua bán không dùng tiền mặt tại chợ Sấu - Hoài Đức; Mô hình Xã, phường chuyển đổi số đang được một số đơn vị bước đầu triển khai tại Hoài Đức, Long Biên và Quận, huyện, sở, ngành thành phố.
Nhằm tiếp tục thúc đẩy Chuyển đổi Số trên địa bàn thành phố, phát huy sự chủ động, sáng tạo của các địa phương, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch triển khai thí điểm mô hình Chuyển đổi Số điển hình tại các cơ quan Nhà nước với mục đích, yêu cầu: Thí điểm triển khai, áp dụng một số mô hình trong chuyển đổi số phù hợp đặc thù của từng địa phương, đơn vị; Đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, nâng cao tính chủ động, sáng tạo của địa phương, đơn vị; Bảo đảm triển khai phù hợp, hiệu quả, phục vụ tốt nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn; Triển khai thí điểm, lựa chọn mô hình chuyển đối số thành công để nhân rộng trên toàn địa bàn thành phố.
Nhấn mạnh năm 2024, Hà Nội xác định chuyển đổi số với chủ đề của năm “Quản trị dựa trên Dữ liệu Số,” ngoài mục tiêu nhằm triển khai hiệu quả các mô hình Chuyển đổi Số điển hình, Phó Chủ tịch Hà Minh Hải mong muốn các cơ quan Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn thành phố cùng chung tay, quyết tâm thực hiện thành công các mục tiêu Chuyển đổi Số, với quan điểm người dân, doanh nghiệp vừa là trung tâm vừa là chủ thể của Chuyển đổi Số.
Với mục tiêu hướng tới người dân, doanh nghiệp dù ở bất kỳ đâu, đều có thể tiếp cận nhanh, dễ dàng, an toàn các dịch vụ công, các ứng dụng số, nền tảng số, được cung cấp thông tin đầy đủ, được phục vụ kịp thời, hiệu quả, quyết tâm xây dựng Hà Nội trở thành Thủ đô Văn hiến, Thủ đô di sản với 8 đặc trưng: Thành phố toàn cầ-Thanh lịch hào hoa-Phát triển hài hòa-Thanh bình thịnh vượng, Chính quyền phục vụ-Doanh nghiệp cống hiến-Xã hội niềm tin-Người dân hạnh phúc.
Tiết kiệm ngân sách đầu tư hàng tỷ đồng
Ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết với quyết tâm đến năm 2030 xây dựng Thủ đô Hà Nội cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới, Hà Nội đã có định hướng cụ thể bằng Nghị quyết số 18-NQ/TU của Thành ủy về Chuyển đổi Số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch 239/KH-UBND của Ủy ban Nhân dân thành phố về Chuyển đổi Số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã tham mưu thành phố ban hành Kế hoạch 310/KH-UBND về triển khai thí điểm mô hình Chuyển đổi Số điểm hình tại các cơ quan Nhà nước thành phố, đồng thời, lựa chọn các đơn vị thực hiện bao gồm: Sở Giao thông Vận tải, Cục Thuế Hà Nội, Báo Kinh tế & Đô thị và Ủy ban Nhân dân các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Long Biên, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ba Vì, Ứng Hòa, Mê Linh, Đan Phượng, Thanh Oai, Phú Xuyên.
Quá trình xây dựng Kế hoạch, Sở Thông tin và Truyền thông đã trực tiếp khảo sát tại nhiều quận huyện, từ đó xây dựng 39 mô hình Chính quyền Số, Kinh tế Số, X hội Số… của thành phố.
Về phía quận Long Biên, ông Vũ Xuân Trường, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận cho hay, thời gian qua, quận Long Biên là đơn vị luôn tích cực đi đầu trong triển khai áp dụng Chuyển đổi Số, ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện các nhiệm vụ của thành phố giao như: triển khai phần mềm quản lý sổ tay Đảng viên; quản lý văn bản tập trung; phần mềm giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo; chữ ký số trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ công chức, viên chức khối Đảng đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, chính quyền các cấp từ quận đến phường; số hóa các dữ liệu như hộ tịch tư pháp, quy hoạch đô thị, tài nguyên môi trường.
Đặc biệt, toàn quận quyết liệt thực hiện nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính bằng việc hoàn thành nâng cấp cải tạo đồng bộ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chínhquận và 14 phường trên địa bàn theo Quyết định 4379/QĐ-UBND ngày 10/11/2022 của Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt đề án 1 cửa hiện đại trên địa bàn thành phố với nhiều sáng kiến lần đầu được áp dụng như: số hóa thông tin danh mục thủ tục hành chính phải công khai phục vụ chia sẻ dữ liệu giữa quận và phường.
Cùng đó, biên tập rút ngắn thông tin giải quyết của 324 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền phục vụ người dân tra cứu; cải tiến phương án lấy ý kiến đánh giá hài lòng của người dân, tổ chức khi giải quyết thủ tục hành chính, lấy số xếp hàng giúp tiết kiệm ngân sách đầu tư hàng tỷ đồng.
Cùng với đó, đưa mô hình đặt lịch hẹn trước với cán bộ tiếp nhận và trả kết quả dành riêng cho công dân nộp hồ sơ trực tuyến trên cổng Dịch vụ công Quốc gia và Cổng dịch vụ công Hà Nội vào vận hành để khuyến khích hồ sơ nâng cao số lượng hồ sơ trực tuyến; quyết liệt rà soát rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính đối với 20% số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền; triển khai thử nghiệm thành công hệ thống lưu trữ thông tin số hóa dữ liệu định danh mức độ 2 phục vụ xác thực trong các giao dịch thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ, thành phố Hà Nội…