Hà Nội phấn đấu có thêm từ 20-30 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP

Mỗi quận, huyện, thị xã của Hà Nội phát triển tối thiểu 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP mới trở lên; xây dựng thí điểm 5 trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP.
Hà Nội phấn đấu có thêm từ 20-30 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP ảnh 1Sản phẩm của làng nghề đúc đồng Ngũ Xã. (Ảnh: Phương Anh/TTXVN)

Nhằm thúc đẩy sản xuất khu vực nông thôn, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Hà Nội phấn đấu năm 2023 sẽ phát triển thêm từ 20-30 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố.

Hằng năm, mỗi quận, huyện, thị xã phát triển tối thiểu 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP mới trở lên; đồng thời xây dựng thí điểm 5 trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với phát triển du lịch tại các huyện Gia Lâm, Thường Tín, Phú Xuyên, Chương Mỹ và thị xã Sơn Tây.

Các năm 2024, 2025, ủy ban nhân dân các huyện còn lại phấn đấu xây dựng, phát triển trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch (ít nhất mỗi một huyện sẽ có một trung tâm).

Việc phát triển mỗi huyện, thị xã sẽ có ít nhất một trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch nhằm kiến tạo môi trường triển khai hoạt động hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn, chủ thể sản xuất, kinh doanh làng nghề hình thành và phát triển hoạt động thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với phát triển các hình thức du lịch trải nghiệm, góp phần tái cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn trên địa bàn thành phố.

[Hà Nội khai trương điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP ở quận Ba Đình]

Cùng với đó, nâng cao giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP, làng nghề, xây dựng chuỗi liên kết từ thiết kế sáng tạo, sản xuất-chế biến, tiêu thụ sản phẩm (thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế) trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các làng nghề gắn với hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn trong kinh tế tuần hoàn. Từ đó góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Đặc biệt, tạo môi trường liên kết giữa nghệ nhân, đội ngũ thiết kế trẻ với tinh thần khởi nghiệp; các viện nghiên cứu, trường đại học chuyên ngành, tổ chức quốc tế phát huy ưu thế văn hóa địa phương, khát vọng phát triển kinh tế của cộng đồng tại làng nghề truyền thống trên địa bàn các huyện, thị xã của thành phố Hà Nội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục