Hà Nội: Quá tải trường công lập ngày càng nghiêm trọng ở một số quận

Việc thiếu trường học đã tạo nên tình trạng quá tải tại các trường công lập và áp lực cho công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2023-2024, đặc biệt ở các quận Hoàng Mai và Đống Đa.
Hà Nội: Quá tải trường công lập ngày càng nghiêm trọng ở một số quận ảnh 1Quang cảnh phiên giải trình. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Ngày 17/10, tại Phiên họp Giải trình về Công tác Xây dựng Trường Công lập đạt chuẩn Quốc gia và việc đầu tư cải tạo, xây mới Trường Mầm non, trường Phổ thông của thành phố, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho biết theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố và qua giám sát, khảo sát của Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố, do tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều khu nhà ở, khu đô thị mới hình thành, dân số cơ học tăng nhanh nên dù đã cải tạo, xây mới được nhiều trường học nhưng tình trạng quá tải trường học công lập vẫn xảy ra ngày càng nghiêm trọng tại một số quận, huyện, đặc biệt là các quận nội thành.

Vấn đề quy hoạch, đầu tư cải tạo, xây dựng trường công lập; thu hồi các dự án chậm triển khai vi phạm Luật Đất đai để bố trí xây dựng trường công lập; dành quỹ đất sau di dời để xây dựng trường công lập đã được Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố, các Ban Hội đồng Nhân dân thành phố giám sát nhiều kỳ nhưng việc tổ chức thực hiện các kiến nghị giám sát chưa có nhiều kết quả.

Tại phiên giải trình, một số đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố bày tỏ băn khoăn về vấn đề quá tải trường học công lập xảy ra ngày càng nghiêm trọng tại một số quận nội thành.

Đại biểu Lâm Thị Quỳnh Dao cho rằng báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố cho biết đến nay đã cơ bản đáp ứng được chỉ tiêu “mỗi xã, phường, thị trấn, khu đô thị mới có ít nhất một Trường Mầm non Công lập, Tiểu học Công lập, Trung học Cơ sở công lập; khu vực từ 30.000-50.000 vạn dân có 1 Trường Trung học Phổ thông công lập” theo Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân thành phố về quy hoạch phát triển giáo dục Hà Nội.

[Hà Nội sẽ tổ chức Phiên giải trình về trường công đạt chuẩn quốc gia]

Tuy nhiên, một số phường thiếu một trong các Trường Mầm non, Trường Tiểu học, Trường Trung học Cơ sở công lập. Cụ thể, theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố, thiếu 49 trường tại 8 quận (Ba Đình, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai).

Việc thiếu trường học đã tạo nên tình trạng quá tải tại các trường công lập và áp lực cho công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2023-2024, đặc biệt ở các quận Hoàng Mai và Đống Đa.

Đại biểu Lâm Thị Quỳnh Dao đề nghị lãnh đạo hai quận Hoàng Mai và Đống Đa trao đổi làm rõ, đưa ra giải pháp khắc phục bất cập trong tuyển sinh đầu cấp; giải pháp phân luồng, phân tuyến tránh quá tải.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Khánh Hưng nêu ý kiến, theo quy định, cứ 30.000 đến 50.000 dân cần bố trí một Trường Trung học Phổ thông.

Hà Nội: Quá tải trường công lập ngày càng nghiêm trọng ở một số quận ảnh 2Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Địa bàn quận Hai Bà Trưng có 303.856 dân, cần có 6 đến 10 Trường Trung học Phổ thông công lập, nhưng hiện tại chỉ có 3 trường.

Quận Hoàn Kiếm có 212.921 dân, cần có 4 đến 7 Trường Trung học Phổ thông nhưng hiện tại chỉ có 2 trường. Việc thiếu trường lớp đã tạo áp lực cho ngành Giáo dục như báo chí phản ánh qua kỳ tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua cũng như các năm trước đây.

Trả lời các vấn đề trên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết Hoàng Mai là quận đông dân nhất thành phố với khoảng 700 nghìn người, trong đó hơn 100 nghìn trẻ em trong độ tuổi đi học, mỗi năm trung bình tăng cơ học khoảng 4 nghìn trẻ.

Những năm qua, công tác tuyển sinh đầu cấp của quận gặp nhiều khó khăn, bất cập; trong đó có năm phải thực hiện bốc thăm cho trẻ Mầm non.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo của thành phố và triển khai nhiều giải pháp của quận, tình trạng này đã dần được khắc phục, không còn tình trạng bốc thăm vào các lớp Mầm non.

Theo đó, quận đã tập trung chủ yếu vào 4 giải pháp: Lập các kế hoạch tuyển sinh cụ thể; triển khai tuyển sinh trực tuyến; đẩy mạnh nhanh các dự án xây dựng trường học; khuyến khích đầu tư các trường ngoài công lập.

Quận Hoàng Mai đã điều tra số trẻ vào đầu năm học, từ đó phân luồng, phân tuyến tuyển sinh; công khai tuyển sinh của từng trường và việc tuyển sinh được đảm bảo đúng quy định, không có trường hợp trái tuyến; 100% trường hợp đăng ký tuyển sinh trực tuyến.

Trong 3 năm qua, quận đã xây dựng mới được 23 trường học, tăng cường cải tạo sửa chữa 25 trường để tăng số lượng lớp học. Các trường ngoài công lập, học sinh chiếm 19% số học sinh trên địa bàn, giúp giảm tải trường công lập trên địa bàn. Hiện nay, quận thiếu 43 trường học, vì thế giải pháp phải có đủ điều kiện về đất và vốn.

Về việc tăng số trường công lập, quận đã rà soát triển khai khẩn trương các ô đất quy hoạch để đầu tư xây dựng trường học; chủ động báo cáo với thành phố phân cấp cho quận để điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch; thu hồi các dự án chậm triển khai để ưu tiên xây dựng trường học. Đến nay, quận đã bố trí trên 50% vốn đầu tư xây dựng cơ bản để xây dựng trường học.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm đề xuất trong thời gian tới, thành phố tiếp tục quan tâm, hỗ trợ quận triển khai đầu tư xây dựng trường học.

Thành phố khi phê duyệt quy hoạch các khu đô thị cần quy định tỷ lệ trường công lập ở các khu đô thị. Bên cạnh đó, thành phố tích hợp, điều chỉnh quy hoạch Luật Thủ đô lần này sắp xếp để tăng mật độ mạng lưới trường học phù hợp với tốc độ gia tăng dân số hiện nay.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Đống Đa Lê Tuấn Định cho biết hiện nay, quận cần 7 trường học công lập đạt chuẩn Quốc gia. Quận đã hoàn thành 13/33 dự án, chuẩn bị cho 9 dự án mới để đảm bảo số trường chuẩn theo quy định.

Thực tế, quận có diện tích đất cho các trường rất chật hẹp, hiện nay một trường có khoảng 60 lớp, trung bình số học sinh 40-60 học sinh/lớp.

Về giải pháp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận khẳng định Đống Đa sẽ tập trung đầu tư mạnh vào các dự án mới; có đề án sáp nhập những điểm trường nhỏ vào các trường lớn để đảm bảo số trường đạt chuẩn theo quy định.

Làm rõ thêm vấn đề các đại biểu quan tâm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương nêu rõ thành phố có số lượng học sinh đông nhất cả nước với 2,3 triệu học sinh.

Mỗi năm, tăng thêm trung bình từ 40.000-50.000 học sinh, đòi hỏi thành phố cần triển khai xây dựng trường học mới kể cả trường công lập và ngoài công lập mỗi năm từ 30-40 trường học để đáp ứng số học sinh tăng mỗi năm.

Báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho thấy, vẫn còn một số phường thuộc các quận nội thành thiếu trường học. Việc phát triển mạng lưới trường học theo quy hoạch không bắt kịp so với tốc độ gia tăng dân số, gây ra hiện tượng quá tải cục bộ tại một số khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh.

Tình trạng thiếu trường, lớp học tập trung tại các quận nội đô không còn quỹ đất để xây dựng mới hoặc mở rộng trường học dẫn đến vượt quy định về số học sinh/lớp, số lớp/trường, không đạt chỉ tiêu diện tích đất/học sinh, trường học vượt quy mô đào tạo không đạt chuẩn Quốc gia.

Việc kiểm soát dân cư tăng cơ học vào Hà Nội, đặc biệt tại khu vực các quận nội thành chưa thật sự hiệu quả, luôn là áp lực làm mất cân đối giữa cung và cầu.

Công tác xây dựng, triển khai dự án trường học và các công trình hạ tầng xã hội, kỹ thuật đô thị khác còn chậm, chưa đồng bộ với các chức năng khác tại các dự án khu đô thị mới, dự án phát triển khu nhà ở trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Một số phường, xã khu vực ngoài đê (thuộc các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Từ Liêm...) hiện chưa đảm bảo điều kiện để đầu tư xây dựng trường học và các công trình hạ tầng xã hội khác theo chuẩn do bị hạn chế theo quy định của Luật Đê điều, Quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/02/2016)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục