Hà Nội: Trải nghiệm nghệ thuật với chuỗi sự kiện văn hóa 'Tiếng tơ'

Đến nay, Nghệ nhân Phan Thị Thuận là người duy nhất có thể điều khiển con tằm thành “thợ dệt” và bà cũng là người duy nhất thành công trong việc “bắt” sen nhả tơ.
Hà Nội: Trải nghiệm nghệ thuật với chuỗi sự kiện văn hóa 'Tiếng tơ' ảnh 1Trưng bày giới thiệu một số công đoạn làm tơ của nghệ nhân. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Tối 22/11, chuỗi hoạt động văn hóa chào mừng 15 năm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam với chủ đề “Tiếng tơ” do Ban quản lý Phố cổ Hà Nội tổ chức, đã diễn ra tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, 50 Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm.

Người dân phố cổ và du khách sẽ được thưởng thức các chương trình nghệ thuật gắn với tơ lụa truyền thống của người Việt.

Tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, Ban tổ chức giới thiệu tới du khách mô hình nhà quấn sợi tơ, các công đoạn, quy trình ươm, dệt lụa tơ tằm và tơ sen, khung cửi dệt tơ tằm cổ của Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận.

Đến nay, Nghệ nhân Phan Thị Thuận là người duy nhất có thể điều khiển con tằm thành “thợ dệt” và bà cũng là người duy nhất thành công trong việc “bắt” sen nhả tơ.

Du khách sẽ hiểu hơn về các kỹ thuật mới của nghề dệt truyền thống.

Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội cũng là nơi sẽ diễn ra buổi trình diễn thời trang “Tiếng tơ” của nhóm các nhà thiết kế: Trịnh Bích Thủy-Thương hiệu Trịnh Fashion, La Hằng-Thương hiệu Áo dài La Hằng, Thục Anh-Thương hiệu TAF.

Đồng thời, tại đây còn diễn ra buổi biểu diễn âm nhạc nghệ thuật “Chuyện nhạc Tiếng tơ” của nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc thực hiện; tọa đàm “Câu chuyện Tiếng Tơ” với sự tham gia của các nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ nhân và các nhà thiết kế.

“Tiếng Tơ” là câu chuyện nhắc lại những nét đẹp của chất liệu tơ trong đời sống văn hóa và văn minh của người Việt từ xưa đến nay.

Thông qua triển lãm, trình diễn thời trang và tọa đàm văn hóa, Ban Tổ chức muốn giới thiệu về một chất liệu gắn kết nhiều di sản văn hóa Việt.

Còn tại Ngôi Nhà di sản 87 Mã Mây, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm; Ban quản lý Phố cổ Hà Nội phối hợp với nghệ nhân văn hóa nghệ thuật ẩm thực trà Nguyễn Cao Sơn tổ chức hoạt động “Huyền thoại Trà di sản - Giàng Pằng, Sùng Đô.”

Chương trình giới thiệu quần thể 100 cây chè Shan tuyết cổ thụ Giàng Pằng, xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận cây di sản Việt Nam.

Tại đình Kim Ngân, số 42-44 Hàng Bạc, phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm diễn ra triển lãm ảnh với chủ đề “Di sản trong lòng Hà Nội” của nghệ sỹ nhiếp ảnh Lê Bích, giới thiệu các làng nghề truyền thống, phố nghề, các nghệ nhân, cũng như các giá trị xưa cũ đang có nguy cơ mai một.

Hà Nội: Trải nghiệm nghệ thuật với chuỗi sự kiện văn hóa 'Tiếng tơ' ảnh 2Trình diễn trang phục lụa tơ tằm. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Tại đền Quan Đế, 28 Hàng Buồm, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm trưng bày giới thiệu hơn 30 tác phẩm Thi-Thư-Họa miêu tả vẻ đẹp hoa Sen của sư thầy, họa sỹ Thích Chỉnh Tuệ; giới thiệu và trình diễn vẽ tranh thủy mặc và thư pháp.

Theo bà Trần Thúy Lan, Phó Trưởng Ban quản lý Phố cổ Hà Nội, chương trình được tổ chức nhằm bảo tồn các giá trị di sản, đặc biệt, quảng bá giá trị nghề truyền thống, tôn vinh nghệ nhân; đồng thời tăng cường hợp tác giao lưu giữa các địa phương, các tổ chức, cá nhân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Chuỗi hoạt động văn hóa “Tiếng Tơ” diễn ra đến ngày 15/12./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục