Hà Nội: Vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước tăng 0,8%

Theo UBND thành phố Hà Nội, trong 8 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 28.100 tỷ đồng, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước và bằng 54,5% kế hoạch.
Hà Nội: Vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước tăng 0,8% ảnh 1Cầu dài 3,5km, rộng 19,25m với 4 làn xe, bao gồm ba làn ôtô và một làn xe hỗn hợp. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của thành phố Hà Nội hiện nay là đẩy nhanh thực hiện vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, 8 tháng năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 28.100 tỷ đồng, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước và bằng 54,5% kế hoạch năm 2023.

Trong số đó, ngân sách nhà nước cấp thành phố thực hiện 11.700 tỷ đồng, giảm 0,5% và đạt 51,6%; ngân sách nhà nước cấp huyện 15.300 tỷ đồng, tăng 1,9% và đạt 56,6%; ngân sách nhà nước cấp xã 1.100 tỷ đồng, giảm 0,6% và đạt 58,1%.

Thành phố chỉ đạo quyết liệt và thường xuyên đối với những dự án, công trình trọng điểm. Dự án Tuyến Đường sắt Đô thị thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn-Ga Hà Nội, có chiều dài 12,5km, gồm 8,5km đường trên cao và 4km đi ngầm với tổng mức đầu tư 32.900 tỷ đồng.

[Infographics] Chính thức Khánh thành Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2

Đến thời điểm hiện tại, tiến độ tổng thể chung của dự án đạt khoảng 77,7%, trong đó thi công đoạn trên cao đã cơ bản hoàn thành.

Dự án cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), khởi công tháng 1/2021 với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng. Cầu nằm phía hạ lưu sông Hồng song song với cầu giai đoạn 1, tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 3.473m; mặt cắt ngang 19,3m (4 làn xe); điểm đầu giao với đường Nguyễn Khoái và đường Minh Khai, điểm cuối giao với đường Long Biên-Thạch Bàn, đường Cổ Linh.

Sau hơn 2,5 năm thi công, đến nay dự án đã hoàn thành, tổ chức Lễ khánh thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 vào ngày 30/8.

Dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô  dài 112,8km (gồm 103,1km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng Cao tốc Nội Bài-Hạ Long). Điểm đầu nằm trên Đường Cao tốc Nội Bài-Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn), điểm cuối nằm trên Đường Cao tốc Nội Bài-Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Dự án được chia thành 7 dự án thành phần, có tổng mức đầu tư dự kiến cho giai đoạn 1 khoảng 85.800 tỷ đồng.

Ngày 25/6/2023, tuyến đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô đã được khởi công tại 3 địa phương (Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh). Đến nay, dự án đã cơ bàn hoàn thành bàn giao mặt bằng và di chuyển hàng ngàn ngôi mộ ra khỏi phạm vi dự án. Dự kiến dự án hoàn thành cơ bản trong năm 2026 và đưa vào khai thác năm 2027.

Dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu-Voi Phục (giai đoạn 1) có chiều dài 2.274m, mặt cắt ngang 50m. Điểm đầu tuyến đường giao với đường Cát Linh-La Thành-Yên Lãng tại Hoàng Cầu (quận Đống Đa) và điểm cuối tại nút giao thông Voi Phục (quận Ba Đình).

Mức đầu tư giai đoạn 1 dự án là 7.211 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, chi phí xây dựng 627 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 5.818 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã giải ngân 20,1% kế hoạch vốn.

Ngoài nguồn vốn ngân sách, thành phố Hà Nội luôn chú trọng và tạo các điều kiện thuận lợi để ngày càng thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài, đặc biệt là thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Tám tháng năm 2023, vốn FDI toàn thành phố ước đạt 2.340 triệu USD. Trong số đó, đăng ký cấp mới 262 dự án với số vốn đạt 120 triệu USD; 116 lượt dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 197 triệu USD; 225 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 2.023 triệu USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục