Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc diễn ra tại Hà Nội, chiều 23/3, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, thành phố Hà Nội xác định nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước là một trong các yếu tố quan trọng, quyết định sự thành công đối với các mục tiêu, định hướng phát triển của Thành phố trong thời gian tới; trong đó, các doanh nghiệp của Hàn Quốc là đối tác quan trọng hàng đầu.
Hà Nội - môi trường đầu tư an toàn, minh bạch
Sau hơn 30 năm thực hiện chính sách đổi mới, mở cửa hội nhập quốc tế, Hà Nội đang dần trở thành một siêu đô thị, phát triển nhanh, năng động hàng đầu của khu vực và thế giới với nhiều tiềm năng, điều kiện thuận lợi để phát triển đầu tư kinh doanh.
Hiện nay, Hà Nội là một trong ba địa phương dẫn đầu cả nước được các doanh nghiệp FDI ưu tiên lựa chọn.
Trong hai năm (2016-2017), thành phố đã thu hút đầu tư vốn đầu tư nước ngoài đạt 6,5 tỷ USD, đứng thứ hai của Việt Nam.
Hà Nội hiện đang được các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng đánh giá là địa điểm đầu tư an toàn, môi trường đầu tư liên tục được cải thiện, an toàn và minh bạch.
Theo đó, Hà Nội nằm trong nhóm các thành phố có tốc độ tăng trưởng cao (trên 8%/năm), là địa điểm đầu tư an toàn; là nơi có môi trường chính trị ổn định.
Với gần 8 triệu dân (đứng thứ hai cả nước), có số lượng lao động trẻ ở độ tuổi vàng (chiếm trên 60% lực lượng lao động), nguồn nhân lực chất lượng cao dễ dàng để các doanh nghiệp tuyển dụng là những lợi thế lớn của Thủ đô hiện nay.
Bên cạnh đó, Hà Nội có đầu mối giao thông thuận lợi. Có hạ tầng các khu công nghiệp tương đối hoàn thiện, sẵn sàng mặt bằng phục vụ doanh nghiệp sản xuất...
Hà Nội cũng đang trở thành một điểm đến hấp dẫn khách du lịch với các danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử và bản sắc văn hóa riêng; là trung tâm kết nối thuận lợi với các điểm du lịch đặc sắc như Vịnh Hạ Long, Tràng An, Sa Pa...
Năm 2017, khách du lịch đến Hà Nội đạt 23,8 triệu lượt, tăng 9%; trong đó, khách quốc tế đạt 4,95 triệu lượt, tăng 23%.
Điều đặc biệt hơn cả, thành phố Hà Nội nhiều năm nay luôn xác định xây dựng một chính quyền với phương châm “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ,” tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Chỉ số năng lực cạnh tranh của Hà Nội tăng liên tiếp trong nhiều năm qua (năm 2017, đứng thứ 13/63 tỉnh, thành), nằm trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt.
Thành phố đã có những chỉ đạo quyết liệt về xây dựng Chính phủ điện tử, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Những dịch vụ công liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp đều thực hiện 100% trên môi trường mạng như đăng ký kinh doanh, thuế, hải quan, bảo hiểm...
Tăng cường thu hút đầu tư từ Hàn Quốc
Hàn Quốc hiện là quốc gia đứng nhất về số lượng các dự án đầu tư tại Hà Nội, với 1.500 dự án đang hoạt động, đứng thứ ba về tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 5,4 tỷ USD.
Trong hai năm (2016, 2017), Hà Nội có 420 dự án với số vốn là 730 triệu USD dự án mới đầu tư.
["Tương lai hợp tác Việt-Hàn phụ thuộc đội ngũ doanh nhân hai nước"]
Theo đó, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đã hiện diện tại Hà Nội như LG, Daewoo, Samsung, Huyndai, Lotte, Posco, CJ...
Bên cạnh đó, còn có một số công trình xây dựng đã trở thành điểm nhấn của Thủ đô như Trung tâm thương mại và Khách sạn Lotte, Tòa nhà Keangnam 72 tầng…
Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội sang thị trường Hàn Quốc đạt 445 triệu USD, chiếm tỷ trọng 3,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội.
Kim ngạch nhập khẩu của Hà Nội từ Hàn Quốc đạt 3,3 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 11% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hà Nội.
Hàn Quốc là thị trường khách du lịch đến Hà Nội lớn thứ hai với gần 600.000 lượt khách, tăng 59% so với năm 2016.
Theo kết quả khảo sát doanh nghiệp FDI tại Hà Nội, các doanh nghiệp Hàn Quốc kinh doanh đạt kết quả khá tích cực, 43% doanh nghiệp Hàn Quốc có ý định tăng quy mô kinh doanh.
Ông Hong Sun, Hiệp Hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, tổng số lượng doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam đã vượt hơn 6.500 doanh nghiệp cho đến thời điểm năm ngoái; trong đó, hơn 1.000 doanh nghiệp đã mở doanh nghiệp và văn phòng đại diện trong địa bàn thành phố Hà Nội.
Số lượng doanh nghiệp nói chung của cả nước Việt Nam và đặc biệt là riêng Hà Nội ngày càng tăng và năm nay có rất nhiều dự án, kế hoạch đầu tư của Hàn Quốc đang diễn ra. Chính vì thế, trong thời gian sắp tới chúng tôi chắc chắn cho rằng con số này ngày càng tăng hơn.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Đức Chung mong muốn thu hút các dự án trong các lĩnh vực thế mạnh của Hàn Quốc như điện tử, công nghệ thông tin, công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng; xây dựng và phát triển các khu đô thị vệ tinh; hạ tầng khu công nghiệp, trung tâm logistics…
“Thành phố Hà Nội cam kết sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh: thông thoáng, minh bạch, hiệu quả; cam kết đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn Thành phố.
Tôi tin tưởng và khẳng định, với những tiềm năng, thế mạnh, điều kiện thuận lợi riêng có của thành phố Hà Nội, cùng với “Chính sách hướng Nam” của Hàn Quốc, việc tăng cường, mở rộng hợp tác, đầu tư tại Hà Nội của các nhà đầu tư, doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ tiếp tục thành công và thành công hơn nữa,” Chủ tịch Nguyễn Đức Chung khẳng định.
Đánh giá rất cao tinh thần hợp tác và những chính sách tích cực từ thành phố Hà Nội, ông Hong Sun, Hiệp Hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, hiện nay môi trường, thủ tục hành chính tại Hà Nội ngày càng nhanh hơn, tốt hơn và hiệu quả hơn.
Chính vì thế, chúng tôi hy vọng rằng không phải là những lĩnh vực sản xuất mà còn cả lĩnh vực dịch vụ và bất động sản, du lịch, đầu tư về giáo dục, đầu tư viễn thông… đó là những lĩnh vực đang phát triển rất nhanh tại Hà Nội và Việt Nam.
“Chúng tôi hy vọng rằng Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư vào địa bàn thành phố Hà Nội…,” ông Hong Sun nhấn mạnh./.