Hải Phòng tập trung thay đổi, tạo đột phá xếp hạng Chính quyền số

Thành phố Hải Phòng hình thành trung tâm dữ liệu dùng chung, xây dựng nền tảng số, dữ liệu dùng chung phục vụ xây dựng chính quyền số.

Lễ khởi động Trung tâm điều hành thông minh quận (HB IOC) và ứng dụng “Hồng Bàng Smart.” (Ảnh: TTXVN phát)
Lễ khởi động Trung tâm điều hành thông minh quận (HB IOC) và ứng dụng “Hồng Bàng Smart.” (Ảnh: TTXVN phát)

Hải Phòng là một trong những tỉnh thành đi đầu trong cả nước về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia tiến trình chuyển đổi số.

Hiện thành phố đang tập trung triển khai Dự án thực hiện một số nội dung để xây dựng Chính quyền số thành phố giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu đột phá xếp hạng Chính quyền số thành phố, đưa Hải Phòng vào nhóm tỉnh, thành phố dẫn đầu về chỉ số chuyển đổi số. Hải Phòng hình thành trung tâm dữ liệu dùng chung, xây dựng nền tảng số, dữ liệu dùng chung phục vụ xây dựng chính quyền số.

Theo đó, thành phố tiếp tục xây dựng và phát triển Dịch vụ công trực tuyến mức toàn trình đối với các thủ tục hành chính đủ điều kiện; tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính; hoàn thiện hệ thống một cửa và dịch vụ công trực tuyến theo Chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ.

Hải Phòng tích cực triển khai công tác số hóa dữ liệu chuyên ngành, phát triển kho dữ liệu dùng chung hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dữ liệu mở phục vụ người dân. Phần mềm đất đai VBDLIS triển khai tại Hải Phòng liên thông hệ thống một cửa điện và và dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai và khai trương Cổng thông tin đất đai thành phố. Thành phố thống nhất danh mục thủ tục hành chính đủ điều kiện đưa lên toàn trình năm 2023 và chuẩn bị Kế hoạch thuê Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính giai đoạn tiếp theo.

Hải Phòng đang vận hành hiệu quả mô hình thử nghiệm Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh, cung cấp dịch vụ số tiếp nhận, giải quyết phản ánh kiến nghị của người dân; đẩy mạnh triển khai các nền tảng ký số, triển khai sổ sức khỏe điện tử, học bạ điện tử, thanh toán điện tử nhằm thúc đẩy phát triển xã hội số. Toàn thành phố triển khai xây dựng trung tâm giám sát bảo đảm an toàn thông tin, xây dựng môi trường số an toàn. Thành phố tiếp tục phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tập huấn cho 30.000 công chức, viên chức trên nền tảng học trực tuyến.

Hồi tháng 4 vừa qua, Trung tâm Điều hành thông minh đầu tiên của Hải Phòng đã được khởi động tại quận Hồng Bàng. Cùng với Trung tâm điều hành thông minh (HB IOC), quận Hồng Bàng cũng cho ra mắt ứng dụng công dân số "Hồng Bàng Smart." Ứng dụng "Hồng Bàng Smart" được triển khai kết nối đồng bộ với HB IOC và được cài đặt trên điện thoại thông minh, tích hợp tất cả các tính năng xã hội thông minh như công dân số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, cuộc sống số… Qua đó, tạo liên kết vững chắc giữa chính quyền và người dân; giúp công tác quản lý điều hành của quận thông suốt, hiệu lực, hiệu quả và minh bạch hơn, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn; giúp tăng cường sự tương tác, thân thiện giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền, xử lý nhanh chóng, kịp thời các vấn đề bất cập trên môi trường số...

Ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố, cho biết việc khởi động mô hình Trung tâm Điều hành thông minh và ứng dụng "Hồng Bàng Smart" đi vào hoạt động đánh dấu bước phát triển mới trong công cuộc chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại trên địa bàn quận Hồng Bàng và thành phố Hải Phòng; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Không chỉ có quận Hồng Bàng, tại từng địa phương, đơn vị, chuyển đổi số được triển khai hết sức khẩn trương, quyết liệt, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.

chuyendoiso-haiphong-6227.jpg
Mô hình robot bán hàng tự động phục vụ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói riêng, hàng hóa nói chung được giới thiệu tại Hội thảo “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp” ở Hải Phòng. (Ảnh: Minh Thu/TTXVN)

Cùng với xây dựng chính quyền số, Hải Phòng tăng tốc phát triển kinh tế số, thúc đẩy thương mại điện tử; xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp công nghệ số vào các khu công nghiệp; chuyển đổi số trong lĩnh vực cảng biển, logistics, du lịch...

Theo Phó Chủ tịch Hoàng Minh Cường, hiện toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức được cấp hộp thư điện tử công vụ để trao đổi thông tin. Từ ngày 1/1 đến ngày 10/9/2023, Hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến thành phố đã có 672.705 hồ sơ được tiếp nhận, 681.250 hồ sơ đã giải quyết, 583.911 hồ sợ đã có kết quả cho công dân; tăng 11,65% số hồ sơ được tiếp nhận, tăng 14% số hồ sơ đã giải quyết, tăng 12% số hồ sơ đã có kết quả cho công dân so với cùng kỳ năm 2022. Hải Phòng thiết lập thông tin thanh toán trực tuyến cho 230 thủ tục hành chính của 13 sở, ngành và 438 thủ tục hành chính của 14 quận huyện.

Về phát triển kinh tế số, thành phố đã quan tâm thực hiện chính sách thu hút đầu tư trong phát triển công nghiệp công nghệ cao tại các khu công nghiệp, khu kinh tế. Những năm qua, lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử của Hải Phòng đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn điện tử LG, Fuji Xerox, Haengsung Electronics, VinGroup... Số lượng doanh nghiệp công nghệ thông tin đang hoạt động hiện nay là 906 doanh nghiệp, trong đó, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phần cứng, điện tử là 151; doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phần mềm là 152; doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nội dung số là 10; doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin (trừ kinh doanh, phân phối) là 135; doanh nghiệp kinh doanh, phân phối các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin là 458.

Thành phố Hải Phòng còn hỗ trợ đưa hộ sản xuất lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục