Hải Phòng tiên phong trong phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Tại Hải Phòng, chưa bao giờ cụm từ khởi nghiệp sáng tạo hay start-up lại được nhắc đến nhiều như hiện nay. Phong trào này được kỳ vọng sẽ tạo sự bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới.
Hải Phòng tiên phong trong phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ảnh 1Ông Dương Ngọc Tuấn: "Việc xây dựng và phát triển thành công Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng đồng bằng sông Hồng phụ thuộc vào sự vào cuộc mạnh mẽ của các tỉnh, thành phố." (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại thành phố Hải Phòng, chưa bao giờ cụm từ khởi nghiệp sáng tạo hay start-up lại được nhắc đến nhiều như hiện nay. Phong trào này được kỳ vọng sẽ tạo sự bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới.

Bên lề Triển lãm chuyên đề về khởi nghiệp sáng tạo lần thứ nhất - sự kiện lớn nhất dành cho cộng đồng khởi nghiệp Hải Phòng, ông Dương Ngọc Tuấn, giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng đã có cuộc trao đổi về vấn đề này.

- Xin ông chia sẻ về những dự án khởi nghiệp đã được Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng hỗ trợ trong thời gian qua?

Ông Dương Ngọc Tuấn: Ngay sau khi đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 được Chính phủ phê duyệt, Hải Phòng là một trong những địa phương đầu tiên trong Vùng đồng bằng sông Hồng ban hành Kế hoạch phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố đến năm 2020.

Mục tiêu của Hải Phòng là phấn đấu đến năm 2020 sẽ hỗ trợ 100 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (trong đó ít nhất 20% dự án gọi được vốn thành công từ các nhà đầu tư); phát triển 50 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (trong đó ít nhất 20 doanh nghiệp được chứng nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ); thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tổng hợp của thành phố với 2-3 trung tâm, cơ sở hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo hình thức xã hội hóa hoặc hợp tác công tư.

Ngay trong năm đầu tiên thực hiện kế hoạch, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố đã triển khai thí điểm hỗ trợ cho 2 dự án khởi nghiệp. Đó là Dự án Phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của ông Lê Quang Đại (Công ty Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp D&D ARGO) và Dự án Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các dòng xe điện đa năng của ông Trần Văn Thảo (Công ty Công nghệ xe điện Việt Thảo).

Các ý tưởng khởi nghiệp cơ bản đã hội tụ đầy đủ các điều kiện đặt ra như: có sản phẩm được hình thành từ ý tưởng; là kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ hoặc khai thác tài sản trí tuệ; đáp ứng khả năng tăng trưởng, thị trường mục tiêu khả thi; nhân sự đủ điều kiện để vận hành dự án...

- Sắp tới Hải Phòng sẽ có kế hoạch cụ thể gì để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, thưa ông?

Ông Dương Ngọc Tuấn:
Hải Phòng đề ra mục tiêu “trở thành một trong những địa phương có hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nổi bật của cả nước.”

Với mục tiêu ấy, Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng sẽ xây dựng tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Phát huy tối đa sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các trường đại học, viện nghiên cứu, chuyên gia, nhà đầu tư… để hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Để làm tốt việc này, trước tiên cần đẩy mạnh công tác truyền thông. Tiếp đến, chúng tôi sẽ đầu tư về cơ sở vật chất, tiến tới thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp. Bên cạnh đó, Sở cũng hỗ trợ tư vấn về kĩ năng khởi nghiệp cho những người có ý tưởng, với điều kiện ý tưởng đó phải khả thi. Sở cũng đang đẩy mạnh công tác đào tạo cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, giúp các bạn trẻ có những kĩ năng ban đầu về kinh doanh, tìm hiểu thị trường…

Chúng tôi sẽ mở rộng kết nối để tìm ra phương pháp hỗ trợ từ bên ngoài về hợp tác đầu tư. Ví dụ như khi các doanh nghiệp có ý tưởng, chúng tôi sẽ tìm các doanh nghiệp có thế mạnh về lĩnh vực đó, kể cả doanh nghiệp nước ngoài để đầu tư đưa ý tưởng vào hiện thực, tạo ra sản phẩm hoàn thiện hơn và có khả năng cạnh tranh hơn. Chúng tôi cũng đề xuất cơ chế riêng để hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng như các cá nhân người khởi nghiệp…

Tuy nhiên, vai trò quan trọng nhất vẫn là ngành khoa học và công nghệ cần thực hiện tốt vai trò của mình là “bà đỡ” cho hoạt động đổi mới sáng tạo, để khởi nghiệp đổi mới sáng tạo càng ngày được mở rộng và đi vào chiều sâu.

Hải Phòng tiên phong trong phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ảnh 2Dự án Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các dòng xe điện đa năng của Công ty TNHH Công nghệ xe điện Việt Thảo là một trong những dự án khởi nghiệp được Hải Phòng hỗ trợ. (Ảnh: Vietnam+)

- Theo ông, làm thế nào liên kết hiệu quả Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng sông Hồng?

Ông Dương Ngọc Tuấn:
Việc xây dựng và phát triển thành công Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng đồng bằng sông Hồng phụ thuộc vào sự vào cuộc mạnh mẽ của các tỉnh, thành phố. Giữa các tỉnh, thành phố cũng cần có sự liên kết, hỗ trợ nhau trong quá trình thực hiện.

Theo tôi, một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới là xây dựng Trung tâm thông tin về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của vùng, kết nối với các Trung tâm thông tin về khởi nghiệp của các vùng, miền khác, tiến tới mở rộng đưa thông tin ra khu vực và quốc tế.

Các Trung tâm thông tin có nhiệm vụ khai thác, giới thiệu các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ có tính ứng dụng cao. Các Sở Khoa học và Công nghệ trong vùng cần thiết lập mạng lưới liên kết giữa các cơ quan ban, ngành, các hội và hiệp hội doanh nghiệp, các trường đại học và viện nghiên cứu, các tổ chức cung cấp dịch vụ, cơ sở vật chất kỹ thuật hỗ trợ khởi nghiệp trên cả nước. Những sự kiện liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp, như Techfest chẳng hạn, cũng cần được các tỉnh, thành trong vùng tổ chức thường xuyên để kết nối các nhà đầu tư cá nhân, quỹ đầu tư mạo hiểm với doanh nghiệp khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, các địa phương trong vùng cần xây dựng hệ thống chuyên gia về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm đào tạo, tư vấn về khởi nghiệp. Các địa phương cũng nên chia sẻ với nhau kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai hỗ trợ khởi nghiệp, các mô hình khởi nghiệp thành công.

Xin cảm ơn ông!

Trong khuôn khổ Techfest Hải Phòng 2017, Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng đã phối hợp với Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ tổ chức một loạt các hoạt động dành cho cộng đồng khởi nghiệp địa phương, đáng chú ý là Triển lãm về khởi nghiệp sáng tạo, Hội thảo liên kết Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng đồng bằng sông Hồng, các Tọa đàm về chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và đặc biệt là Cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc.

Triển lãm thu hút sự tham gia của gần 30 dự án khởi nghiệp, ý tưởng khởi nghiệp đến từ Trường Đại học Hải Phòng và Đại học Hàng hải Việt Nam; 10 doanh nghiệp, cá nhân và nhóm cá nhân; 7 doanh nghiệp từ các địa phương khác, tập trung vào các lĩnh vực chế tạo máy, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; hoá mỹ phẩm; công nghệ thông tin; sản xuất đồ gia dụng…

Nổi bật trong số đó là những sản phẩm như: Xe điện gấp đa năng; Sản xuất củi trấu; Ươm giống và trồng lan hồ điệp; Phần mềm quản lý bán hàng B-POS Pro; Hệ thống chống trộm nhiều cấp trong ngôi nhà thông minh; Trạm sạc ắc - quy thông minh; Hệ thống mô phỏng tàu lái…
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục