Tuy vậy, nhiều ý kiến cũng cho rằng, chương trình này sẽ phát huy hiệu quả tối đa nếu các chế độ quản lý hải quan được chuẩn hóa theo thông lệ quốc tế.
Kết quả đáng ghi nhận
Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, việc triển khai thí điểm và mở rộng thí điểm thủ tục Hải quan điện tử đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu. Theo đó, ngành Hải quan hình thành một hạ tầng công nghệ thông tin bước đầu đáp ứng được yêu cầu quản lý. Đội ngũ cán bộ công chức trong ngành cũng như doanh nghiệp làm quen dần với một phương thức làm việc mới, chuyên nghiệp hơn.
Đến hết tháng Sáu năm nay, toàn ngành có 20/33 Cục Hải quan địa phương thực hiện thủ tục Hải quan điện tử. Số tờ khai thực hiện quan hình thức này đạt trên 2 triệu bộ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 123,8 tỷ USD. Trong hơn bảy năm thực hiện, phương thức này đã thu hút hơn 55.000 doanh nghiệp tham gia. Các loại hình xuất nhập khẩu thực hiện chủ yếu là kinh doanh, gia công, sản xuất xuất khẩu, tạm nhập tái xuất…
Nhiều cục Hải quan địa phương cho rằng, ứng dụng Hải quan điện tử không chỉ giảm thời gian cho doanh nghiệp mà còn giảm áp lực công việc đối với cán bộ hải quan. Ở Đồng Nai, hàng năm tăng gần 30% kim ngạch xuất nhập khẩu trong khi biên chế Cục Hải quan Đồng Nai chỉ chiếm khoảng 3% toàn ngành. Do đó, nếu không triển khai thủ tục Hải quan điện tử kịp thời thì Hải quan Đồng Nai khó có thể đáp ứng được việc thông quan nhanh chóng hàng hóa cho doanh nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thủ tục hành chính đã tiết kiệm được nhiều thời gian và đẩy nhanh tiến độ giải quyết công việc của cán bộ hải quan và tăng tính minh bạch trong xử lý công việc.
Đã có nhiều kinh nghiệm tốt, cách làm hay trong quá trình thực hiện chương trình thủ tục Hải quan điện tử, trong đó phải kể đến Cục Hải quan Bà Rịa-Vũng Tàu. Ngay từ bắt đầu triển khai, Cục đã rà soát lại đội ngũ cán bộ công chức, đánh giá, phân loại doanh nghiệp, hiện trạng công nghệ thông tin. Tiếp đến, Cục tiến hành tổ chức hội nghị doanh nghiệp để giới thiệu, hướng dẫn về những điểm giống và khác nhau giữa thủ tục Hải quan truyền thống và thủ tục Hải quan điện tử để doanh nghiệp thấy rõ lợi ích.
Đơn vị cũng chủ động cử cán bộ công nghệ thông tin trực tiếp hướng dẫn, xử lý vướng mắc tại các chi cục, trụ sở doanh nghiệp. Riêng về hạ tầng mạng, để đảm bảo yêu cầu thực hiện giám sát trong Thủ tục Hải quan điện tử, Cục Hải quan Bà Rịa-Vũng Tàu đã chủ động thuê kênh truyền kết nối mạng đến tất cả các điểm giám sát thuộc Cục Hải quan tỉnh.
Tiến dần tới việc chuẩn hóa
Qua quá trình thực hiện thủ tục Hải quan điện tử, bên cạnh những lợi ích thiết thực mang lại, một số cục Hải quan địa phương cho rằng vẫn còn những vướng mắc cần khắc phục. Hai hệ thống văn bản như văn bản cho hải quan thủ công và hải quan điện tử vẫn được áp dụng song song dẫn tới tình trạng chồng chéo, dễ sai sót. Thậm chí, một số quy định giữa thủ tục hải quan truyền thống và hải quan điện tử còn một số điểm khác nhau, gây khó khăn trong thực hiện.
Ngoài ra, việc kết nối với các chi cục hải quan cửa khẩu và các chi cục khác chưa thông suốt, liên tục, dữ liệu đến chi cục chưa đầy đủ, kịp thời. Nhiều Cục Hải quan kiến nghị bổ sung văn bản hướng dẫn đảm bảo tính thống nhất các quy định về chính sách giữa thủ tục Hải quan điện tử và thủ tục Hải quan truyền thống.
Trước thực tế này, thời gian tới toàn ngành tập trung nâng cấp hệ thống thông quan điện tử, hệ thống quản lý rủi ro, mở rộng ứng dụng chữ kí số, mở rộng thu thuế, lệ phí bằng phương thức điện tử, nâng cấp hạ tầng mạng và trang thiết bị. Theo đó, hệ thống Thông quan điện tử sẽ được nâng lên mô hình tiếp nhận tập trung cấp Cục và cấp Tổng cục với 13 Cục hải quan địa phương chuẩn bị triển khai.
Việc thực hiện tiếp nhận tập trung sẽ bảo đảm kiểm tra dữ liệu chính xác, nhất quán, giúp xử lý, cấp số tờ khai, phân luồng hàng hóa được nhanh chóng; tránh đầu tư dàn trải, lãng phí; hạn chế tình trạng sai lệch kết quả phân luồng… Công tác quản lý rủi ro sẽ bổ sung tiêu chí phân tích cũng như tiêu chí tính điểm để nâng cấp mức độ chính xác trong việc phân luồng hàng hóa, tạo tiền đề cho việc tăng mức tự động hóa cho hệ thống này.
Việc ứng dụng chữ ký số cũng là giải pháp quan trọng tăng mức độ an ninh cho dữ liệu và cơ sở pháp lý của hồ sơ hải quan điện tử, đặc biệt bảo đảm tính nguyên trạng của dữ liệu, hạn chế tình trạng doanh nghiệp cố tình khai nhiều lần để lựa chọn luồng xanh và sửa dữ liệu nhằm làm sai lệch kết quả phân luồng… Việc triển khai ứng dụng chữ ký số của ngành Hải quan sẽ thực hiện đồng bộ với Tổng cục Thuế tạo điều kiện cho doanh nghiệp đã sử dụng chữ ký số đăng ký với cơ quan Thuế để khai báo Thủ tục Hải quan điện tử
Bên cạnh đó, trong quý 3 năm nay, ngành Hải quan đặt mục tiêu nâng số tiền thanh toán bằng hình thức điện tử (e-Payment) trung bình trong ngày từ 21% hiện nay lên 50%. Với những cục trọng điểm như Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… phấn đấu tỷ lệ này đạt 80% trở lên.
Ngoài ra, căn cứ vào chủ trương đầu tư công nghệ thông tin trong năm nay đã được Bộ Tài chính phê duyệt, ngành Hải quan sẽ tiếp tục nâng cấp đường truyền và trang bị mới hệ thống máy chủ, bảo đảm thực hiện tiếp nhận dữ liệu khai báo của doanh nghiệp 24 giờ/ngày và 7 ngày/tuần, qua đó tăng cường khả năng xử lý tự động và mức độ an toàn, an ninh thông tin./.