Sáng 2/12, Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh đã có cuộc họp với báo chí thông báo về tình hình hoạt động năm 2013.
Riêng thông tin về vụ việc để lọt vụ vận chuyển 600 bánh heroin (229kg) từ Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đi Đài Loan (Trung Quốc), ông Trần Mã Thông, Cục phó Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định cán bộ hải quan đã làm đúng quy trình đối với hàng xuất khẩu.
Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh cho biết lô hàng này có tờ khai mang số 12595, loại hình xuất khẩu kinh doanh, tên đơn vị đăng ký xuất là Công ty trách nhiệm hữu hạn giao nhận và vận tải Long Vân.
Thời điểm doanh nghiệp đăng ký tờ khai là 12 giờ ngày 15/11/2013, thời gian thông quan là 15 giờ ngày 15/11/2013; thời gian xuất hàng hóa là 20 giờ 55 ngày 16/11/2013 trên chuyến bay CI 5886 của Hãng hàng không China Airlines, tuyến đường Thành phố Hồ Chí Minh-Đài Loan theo vận đơn 29724851606.
Ông Trần Mã Thông cho biết hiện thủ tục hải quan rất thông thoáng. Trước đây việc phân luồng do cán bộ hải quan thực hiện, nhưng hiện nay cải cách thủ tục hải quan, việc đăng ký tờ khai là do hệ thống. Khi doanh nghiệp khai báo tờ khai tới, căn cứ vào các tiêu chí đề ra, máy phân luồng xanh, đỏ, vàng.
Đối với luồng xanh, hàng hóa sẽ được thông quan ngay, luồng vàng thì doanh nghiệp phải mang hồ sơ đến kiểm tra, còn luồng đỏ thì hàng hóa sẽ được kiểm tra trước khi xuất khẩu.
Đối với lô hàng này, hệ thống phân luồng xanh, doanh nghiệp tự in tờ khai đến làm thủ tục xuất khẩu và mang hàng đến khu vực giám sát hải quan. Hải quan đối chiếu trên tờ khai và trên hệ thống tư liệu không thấy thông tin gì thêm thì cho thông tin hàng hóa. Đây là quy trình đơn giản, không có bất cứ sự kiểm tra nào của hải quan. Trong quá trình làm thủ tục, phía hải quan không hề có thông tin gì.
Trả lời báo chí về việc sử dụng máy soi hải quan trị giá 1,2 triệu USD trong quá trình kiểm soát, ông Thông cho biết đây là thiết bị thực hiện kiểm tra phát hiện những nghi ngờ và bổ sung khi thực hiện luồng đỏ.
Đối với luồng xanh thì hàng hóa không qua kiểm tra. Hệ thống soi chiếu cuối cùng thuộc về an ninh hàng không. Vì vậy, ở chu trình của lô hàng này, hải quan không kiểm tra qua máy soi. Đồng thời, hải quan cũng không sử dụng chó nghiệp vụ trong kiểm soát lô hàng vì theo quy định, hải quan chỉ dùng chó nghiệp vụ trên những tuyến đường, những lô hàng trọng điểm.
Ông Trần Mã Thông cho biết thêm trong tiêu chí quản lý rủi ro của ngành hải quan thì có nhiều ưu tiên dành cho hàng xuất khẩu. Hiện đa phần hàng xuất khẩu được miễn kiểm tra, chỉ có một số mặt hàng xuất có điều kiện mới đưa vào tiêu chí rủi ro để kiểm tra.
Trước thông tin lô hàng này được dán nhãn "nguy hiểm," ông Thông cho biết trong đăng ký tờ khai hải quan, không có mục đăng ký hàng nguy hiểm, khi đăng ký chỉ ghi là loa thùng. Tuy nhiên, do sản phẩm loa thùng có từ tính nên có thể được dán nhãn này khi đăng ký thủ tục hàng không.
Lãnh đạo Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thời gian tới, Cục sẽ tăng cường tuyên truyền về thủ tục hải quan, áp dụng thông thoáng hơn để doanh nghiệp hiểu rõ hơn và thực hiện nghiêm. Đồng thời Cục cũng rút kinh nghiệm từ vụ việc này để rà soát các quy trình nghiệp vụ để xem xét, chấn chỉnh hoạt động trong toàn cục. Nếu phát hiện sai phạm, Cục Hải quan thành phố sẽ kiên quyết xử lý nghiêm.
Đánh giá về tình hình doanh nghiệp lợi dụng chính sách của nhà nước, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh cho biết bên cạnh nhiều doanh nghiệp thực hiện tốt pháp luật về xuất nhập khẩu, hiện còn nhiều doanh nghiệp cố tính làm sai để trục lợi.
Thậm chí, có doanh nghiệp đăng ký tờ khai xuất khẩu, nếu hệ thống phân vào luồng xanh sẽ tới làm thủ tục, nhưng nếu bị đưa vào diện luồng vàng hoặc luồng đỏ, doanh nghiệp lập tức không tới làm thủ tục mà chờ đưa sang doanh nghiệp khác để xuất hàng đi nhằm thực hiện những hành vi gian lận.
Vì vậy, trong công tác kiểm soát hải quan trong thời gian tới, bên cạnh việc rà soát lại quy trình, chấn chỉnh cán bộ viên chức trong thực thi nhiệm vụ thì việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về pháp luật là vấn đề vô cùng quan trọng./.