Nhờ sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ làm công tác dân số tại cơ sở, 19 năm qua, hai thôn Pò Đeng và Nà Phát (xã Tú Trĩ, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) không có người sinh con thứ ba.
Ông Hoàng Sĩ Bảo, cán bộ chuyên trách công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình xã Tú Trĩ, cho biết xã có 504 hộ, 1.947 nhân khẩu chia thành 11 thôn bản, đa số là dân tộc Nùng.
Trong 11 thôn bản thì duy nhất có thôn Cốc Bẩy là ba năm trở lại đây có một trường hợp sinh con thứ ba, còn lại tám thôn đều gần 10 năm không có người sinh con thứ ba trở lên.
Đặc biệt hai thôn Pò Đeng và Nà Phát đã 19 năm không có người sinh con thứ ba trở lên.
Đội ngũ cộng tác viên dân số được phát triển ở 11 thôn bản, đa số là nữ giới nên họ dễ tiếp cận, trò chuyện với các chị em. Vào ngày 30 hàng tháng, các cộng tác viên dân số đều giao ban chia sẻ, đúc rút kinh nghiệm để thực hiện tốt công tác dân số ở các thôn bản.
Người dân thôn Pò Đeng và Nà Phát không còn quan niệm có con trai để nối dõi tông đường, "có nếp, có tẻ". Đẻ con ít, nuôi dạy con ngoan, kinh tế phát triển mới là ưu tiên hàng đầu của người dân hai thôn.
Quy ước, hương ước của thôn đưa ra là nếu sinh con thứ ba trở lên sẽ không đạt gia đình văn hóa, vì vậy các gia đình quyết tâm giữ gìn truyền thống không có người sinh con thứ ba để có điều kiện phát triển kinh tế, chăm lo cuộc sống gia đình.
Anh Triệu Đức Thưởng, sinh năm 1975 ở thôn Nà Phát cũng có hai con gái, đứa lớn học lớp chín, nhỏ mới học lớp mẫu giáo năm tuổi. Anh chia sẻ, mẹ anh cứ bắt phải sinh một thằng con trai để nối dõi tông đường, hay lúc đi ra ngoài cùng bạn bè cũng hay bị trêu đùa là nhà toàn “vịt giời.”
Nhưng vợ chồng anh xác định con gái cũng như trai, cơ bản là con học hành giỏi, ngoan - đó là niềm an ủi lớn nhất rồi. Vì vậy vợ chồng anh ngày nào cũng tỷ tê, tâm sự nên mẹ hiểu, thông cảm với quyết định không sinh thêm con thứ ba của hai vợ chồng.
Không chỉ riêng gia đình anh Thưởng, cả hai thôn Pò Đeng và Nà Phát hiện có 20 cặp vợ chồng sinh con một bề nhưng quyết tâm không sinh con thứ ba.
Tuy nhiên, trong quá trình làm công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình, đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số cũng gặp không ít khó khăn. Theo chân chị Hoàng Thị Lý, cộng tác viên dân số thôn Nà Phát đi tuyên truyền, vận động bà con mới thấy hết được hết những khó khăn, vất vả mà họ từng trải qua.
Đường sá đi lại khó khăn, phương tiện không có, các hộ gia đình lại nằm rải rác nên nhiều lúc họ phải đi bộ hàng cây số để đến từng nhà.
Chị Lý chia sẻ, người dân đa số là làm nông nên mình chỉ đến được buổi tối, hoặc kết hợp các buổi họp thôn, họp chi hội phụ nữ để tuyên truyền, vận động bà con thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, phát các tờ rơi và dụng cụ tránh thai.
Bên cạnh đó, các cụ vẫn có tư tưởng phải có con trai nối dõi tông đường hay nhà phải có nếp có tẻ nên việc thay đổi nhận thức của họ cần phải tiến hành lâu dài. Vì vậy, đội ngũ công tác viên tập trung tuyên truyền tới các cặp vợ chồng trẻ để làm gương, thay đổi nhận thức từ người trẻ trước để họ về giải thích cho các cụ hiểu.
Hiện nay, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã chủ động thực hiện các biện pháp tránh thai như đặt vòng, đình sản, uống thuốc tránh thai, sử dụng bao cao su…; không có trường hợp lựa chọn thai nhi.
Mọi người dân đều tự nguyện thực hiện việc sinh đẻ có kế hoạch, trẻ em sinh ra dù gái hay trai đều được gia đình tôn trọng và được chăm sóc, giáo dục bình đẳng.
Cuộc sống của người dân hai thôn thay đổi từng ngày, thu nhập bình quân đầu người, đời sống vật chất, tinh thần không ngừng được nâng cao. Kinh tế phát triển, chuyện học hành của con em cũng được người dân trong thôn quan tâm, các điểm trường được đầu tư xây dựng. 100% các hộ dân có điện, nước sạch cũng được đưa đến từng hộ dân.
Nhiều gia đình có tiền để mua sắm xe máy, tivi, tủ lạnh, sửa sang nhà cửa... con em trong thôn được đến trường học chữ. Người dân tích cực lao động sản xuất, học hỏi cách làm ăn để phát triển kinh tế.
Giữ vững được kết quả 19 năm không có người sinh con thứ ba thôn Pò Đeng và Nà Phát đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp về thực hiện công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình và trở thành điển hình cho nhiều địa phương về kế hoạch hóa gia đình và phát triển kinh tế./.