Hàn-Nhật sắp ký hiệp định trao đổi thông tin tình báo

Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ ký một hiệp định quân sự vào ngày 29/6 tới nhằm cho phép hai nước trao đổi các thông tin tình báo quân sự.
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn các nguồn tin chính phủ nước này ngày 27/6 cho biết Hàn Quốc và Nhật Bản chuẩn bị ký một hiệp định quân sự cho phép hai nước trao đổi các thông tin tình báo quân sự.

Theo các nguồn tin trên, Hiệp định An ninh chung về Thông tin quân sự (GSOMIA) có thể sẽ được ký vào ngày 29/6, hoặc muộn nhất là vào tuần tới, theo đó hai nước sẽ trao đổi thông tin tình báo về Triều Tiên cũng như các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

Tin cho biết nội các Hàn Quốc đã nhất trí về việc ký kết GSOMIA trong cuộc họp hôm 26/6. Nếu được ký kết, đây sẽ là hiệp định hợp tác quân sự đầu tiên giữa Nhật Bản và Hàn Quốc kể từ khi kết thúc chế độ thuộc địa của Nhật Bản trên bán đảo Triều Tiên năm 1945.

Trong khi đó, hãng Kyodo đưa tin phía Nhật Bản dự kiến cũng sẽ hoàn tất các thủ tục trong tuần này để ký kết hiệp định trên.

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ở thủ đô Tokyo ngày 27/6, Chánh Văn phòng Nội các và là người phát ngôn hàng đầu của chính phủ Nhật Bản, ông Osamu Fujimura cho biết tiến trình thảo luận giữa hai nước về GSOMIA đang ở giai đoạn cuối cùng, đồng thời khẳng định một hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự với Hàn Quốc là "hết sức quan trọng."

Ý tưởng về việc ký kết GSOMIA được bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản và Hàn Quốc đề cập trong cuộc gặp song phương hồi tháng 1/2011.

Hiện tại, Nhật Bản đã ký hiệp định chia sẻ thông tin tình báo tương tự với Mỹ, Australia, Pháp và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Trong khi đó, Hàn Quốc cũng có các hiệp định song phương với 24 nước, trong đó có Mỹ, Nga, Anh, Canada và Australia.

Tháng trước, Hàn Quốc và Nhật Bản đã dự định ký hiệp định chia sẻ thông tin tình báo cùng với một hiệp định khác về hỗ trợ hậu cần và hợp tác trong các hoạt động gìn giữ hòa bình ở nước ngoài, nhân dịp Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan Jin thăm Nhật Bản.

Tuy nhiên, chuyến thăm đã bị hủy, nguyên nhân được cho là do sự quan ngại của Seoul về dư luận trong nước Hàn Quốc phản đối hợp tác quân sự với Nhật Bản, liên quan đến tranh chấp chủ quyền giữa hai nước đối với nhóm đảo mà Hàn Quốc gọi là Dokdo còn Nhật Bản gọi là Takeshima, cũng như tâm lý chống Nhật Bản do ký ức về thời kỳ thuộc địa./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục