Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc (FSC), ông Eun Sung-soo, ngày 21/10 đã nói với các nhà lập pháp rằng giới chức tài chính nước này sẽ yêu cầu các quỹ phòng hộ củng cố hệ thống kiểm soát nội bộ của họ sau cuộc khủng hoảng thanh khoản tại Lime Asset Management Co.
Lime Asset, công ty quản lý lượng tài sản trị giá khoảng 4 tỷ USD, tuần trước cho biết họ đã buộc phải đóng băng hoạt động rút tiền từ các quỹ với trị giá khoảng 846,6 tỷ won (721,5 triệu USD) vì không thể phát mại được các tài sản để đáp ứng yêu cầu hoàn trả của khách hàng.
Ông Eun cho biết FSC sẽ thực hiện các biện pháp để ngăn chặn cuộc khủng hoảng tại Lime Asset lan sang các quỹ phòng hộ khác.
Tuy nhiên, ông chưa nêu rõ liệu FSC có thắt chặt các quy định đối với các quỹ phòng hộ hay không.
Thời gian gần đây, một số ngân hàng và công ty tài chính Hàn Quốc đã phải chịu làn sóng chỉ trích vì vì bán những sản phẩm phái sinh định theo lãi suất ở nước ngoài một cách không phù hợp.
Điều này có nguy cơ khiến gần như toàn bộ số tiền đầu tư vào chúng có thể bị lỗ.
[Hàn Quốc ít khả năng được loại khỏi danh sách giám sát tiền tệ của Mỹ]
Các cơ quan tài chính Hàn Quốc cho biết khoảng 20% trong số 3.954 trường hợp được phát hiện có thể vi phạm luật hoặc các quy tắc nội bộ về việc bán các công cụ phái sinh.
Hai ngân hàng cho vay hàng đầu của Hàn Quốc là ngân hàng Woori và ngân hàng KEB Hana sẽ bị điều tra thêm.
Trong khi đó, người đứng đầu Cơ quan Giám sát Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc (FSS), ông Yoon Suk-heun, nói với các nhà lập pháp rằng Lime Asset phải chịu trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng thanh khoản vì phương án quản lý quỹ của họ.
Phát biểu trước Quốc hội, ông Yoon đã chỉ trích các công ty tài chính bán những sản phẩm phái sinh "giống như đánh bạc" cho các nhà đầu tư cá nhân.
Ông cho rằng những công ty này "phải chịu trách nhiệm" trong việc bán các sản phẩm rủi ro cao cho khách hàng.
Các công cụ phái sinh được thiết lập để theo dõi hiệu suất của các giao dịch hoán đổi đáo hạn không đổi (CMS).
Những giao dịch hoán đổi cho phép người mua xác định thời gian đáo hạn trung bình thực tế của 1 trái phiếu trong một giao dịch hoán đổi trái phiếu Chính phủ Mỹ, Anh hoặc Đức.
Nhưng những công cụ này thua lỗ khi lợi suất trái phiếu ở Mỹ, Anh và Đức bất ngờ thấp hơn do những đồn đoán rằng các ngân hàng trung ương của những nền kinh tế này có thể mạnh tay cắt giảm lãi suất.
Các quan chức Hàn Quốc cho biết nếu các giao dịch CMS của trái phiếu Mỹ và Anh vẫn duy trì ở mức hiện tại, các nhà đầu tư địa phương sẽ báo lỗ khoảng 52,3% từ khoản đầu tư của họ.
Rủi ro thua lỗ còn có thể lớn hơn nữa nếu Mỹ và Vương quốc Anh thực sự cắt giảm lãi suất sâu hơn trong năm nay.
Còn với những sản phẩm liên quan tới trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Chính phủ Đức, các nhà đầu tư Hàn Quốc có thể thua lỗ tới 95%./.