Hàn Quốc lo thỏa thuận chia sẻ chi phí quốc phòng mới với Mỹ phải đàm phán lại

Đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ Cho Hyun Dong cho biết không thể loại trừ khả năng cựu Tổng thống Donald Trump sẽ yêu cầu đàm phán lại thỏa thuận chia sẻ chi phí quốc phòng nếu ông trở lại nắm quyền.

Binh sỹ Mỹ tham gia một cuộc tập trận tại Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)
Binh sỹ Mỹ tham gia một cuộc tập trận tại Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Thoả thuận chia sẻ chi phí quốc phòng mới giữa Hàn Quốc và Mỹ vừa đạt được vào ngày 2/10 sau 8 vòng đàm phán trong 5 tháng qua, có nguy cơ phải đàm phán lại nếu ứng cử viên đảng Cộng hoà Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử ngày 5/11 tới.

Đây là phát biểu của Đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ Cho Hyun Dong trong cuộc điều trần trực tuyến trước Quốc hội Hàn Quốc hôm 11/10.

Theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, khi trả lời câu hỏi về Thỏa thuận Biện pháp Đặc biệt (SMA) thứ 12 mà Hàn Quốc và Mỹ vừa đạt được để xác định phần chia sẻ chi phí của Hàn Quốc cho việc đồn trú 28.500 quân của Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK), Đại sứ Cho Hyun Dong cho biết không thể loại trừ khả năng cựu Tổng thống Donald Trump sẽ yêu cầu đàm phán lại nếu ông trở lại nắm quyền.

Theo Đại sứ Cho Hyun Dong, SMA lần thứ 12 là kết quả cùng có lợi và hợp lý đối với cả Hàn Quốc và Mỹ, nhưng do tại Mỹ, thoả thuận SMA mới không yêu cầu sự chấp thuận của Quốc hội, nên Tổng thống Mỹ có thể yêu cầu đàm phán lại theo thẩm quyền của tổng thống.

Đại sứ Cho Hyun Dong lưu ý rằng Hàn Quốc và Mỹ đã kết thúc các cuộc đàm phán SMA mới nhất trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ một tháng với kỳ vọng rằng thỏa thuận mới này sẽ được tôn trọng bất kể có sự chuyển giao tổng thống hay không.

Thoả thuận SMA lần thứ 12 có hiệu lực đến năm 2030, Hàn Quốc sẽ trả 1,52 nghìn tỷ won (1,14 tỷ USD) vào năm 2026, tăng từ mức 1,4 nghìn tỷ won vào năm 2025.

Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, với chính sách “nước Mỹ trên hết”, ông Trump đã kêu gọi tăng mạnh đóng góp tài chính của Hàn Quốc để duy trì USFK, dẫn đến bế tắc kéo dài trong các cuộc đàm phán SMA.

Hai nước đã khởi động các cuộc đàm phán SMA vào tháng 4 - sớm hơn bình thường - trong bối cảnh lo ngại rằng ông Trump nếu đắc cử tổng thống có thể đưa ra một thỏa thuận cứng rắn về chia sẻ gánh nặng theo cách có thể gây căng thẳng trong liên minh song phương trong bối cảnh các mối đe dọa quân sự từ bên ngoài ngày càng gia tăng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục