Theo Yonhap, Cơ quan quản lý chương trình mua sắm quốc phòng (DAPA) của Hàn Quốc cho biết nước này ngày 13/4 đã phê duyệt các dự án quốc phòng quy mô lớn để tự chế tạo máy bay tác chiến điện tử và mua máy bay trực thăng hạng nặng cho các hoạt động đặc biệt.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Seoul tăng cường nỗ lực chống lại các mối đe dọa quân sự đang gia tăng từ Triều Tiên.
Theo DAPA, Ủy ban Xúc tiến Dự án Quốc phòng đã phê duyệt kế hoạch trị giá 1.850 tỷ won (1,41 tỷ USD) để phát triển máy bay tác chiến điện tử từ năm 2024-2032 như một phần của nỗ lực giúp đặt nền móng cho hệ thống đối phó chiến tranh điện tử trong tương lai của Hàn Quốc.
Với loại máy bay này, Hàn Quốc tìm cách cải thiện khả năng hoạt động và sống sót của các phương tiện trên không bằng cách làm tê liệt và phá vỡ hệ thống phòng không cũng như hệ thống chỉ huy-liên lạc của kẻ địch, thu thập và phân tích các tín hiệu đe dọa từ các nước láng giềng.
Ủy ban trên cũng đã bật đèn xanh cho kế hoạch trị giá 3.700 tỷ won để mua trực thăng hạng nặng từ nước ngoài giai đoạn năm 2024-2031, song không nêu rõ số lượng hoặc kiểu máy bay trực thăng sẽ mua.
Ủy ban này cũng thông qua kế hoạch với số tiền 610 tỷ won để phát triển tên lửa đạn đạo đất đối đất qua nghiên cứu trong nước từ năm 2024- 2036. Loại tên lửa này dự kiến sẽ ngăn chặn các mối đe dọa tiềm ẩn và cho phép phản ứng sớm trước các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
[Hàn Quốc có kế hoạch phát triển một loại tên lửa dẫn đường tiên tiến]
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ngày 3/4 cho biết chính phủ nước này có kế hoạch thành lập một cơ quan tham mưu công-tư nhằm hỗ trợ tăng cường xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp quốc phòng.
Cơ quan mới sẽ có sự tham gia của Văn phòng An ninh Quốc gia của tổng thống, các bộ quốc phòng, ngoại giao và công nghiệp, DAPA và các công ty quốc phòng để thảo luận về chiến lược thúc đẩy xuất khẩu vũ khí.
Ủy ban sẽ triệu tập cuộc họp đầu tiên vào ngày 21/4 tới, do Phó Cố vấn an ninh quốc gia thứ hai Lim Jong-deuk chủ trì.
Chương trình nghị sự của cuộc họp dự kiến bao gồm việc thúc đẩy những hợp đồng của các công ty Hàn Quốc cung cấp xe tăng K2 và pháo tự hành K-9 cho Ba Lan, cùng các chiến lược tăng cường xuất khẩu sang Trung Đông sau chuyến công du Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) của Tổng thống Yoon Suk Yeol hồi tháng 1/2022.
Quy mô xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc từ 2018-2022 đã tăng 74%, chiếm 2,4% thị phần xuất khẩu công nghiệp quốc phòng thế giới, đứng thứ 9 trên thế giới.
Quốc gia nhập khẩu nhiều vũ khí từ Hàn Quốc trong giai đoạn 2018-2022 là Philippines (16%), Ấn Độ (13%), Thái Lan (13%).
Báo cáo về xu hướng mua bán vũ khí quốc tế năm 2022 cho thấy 63% vũ khí Hàn Quốc được xuất khẩu sang các nước châu Á và châu Đại Dương, và nhu cầu của các nước đối với vũ khí sản xuất tại Hàn Quốc ngày càng tăng, với việc Ba Lan đã đặt hàng số lượng lớn từ Hàn Quốc trong năm 2022.
Tính theo đơn đặt hàng hiện tại thì đến sau năm 2023, số vũ khí mà Hàn Quốc bán ra nước ngoài sẽ gồm 136 máy bay chiến đấu, 6 tàu chiến, 990 xe tăng, 23 xe bọc thép.
Đặc biệt, đây là quy mô xuất khẩu xe tăng và đạn pháo nhiều nhất trong 10 nước lớn về xuất khẩu vũ khí.
Mặt khác, Hàn Quốc cũng là nước đứng thứ 6 về nhập khẩu vũ khí, chiếm 3,7% thị phần thế giới về nhập khẩu quốc phòng giai đoạn 2018-2022. Trong đó, 71% là vũ khí nhập khẩu từ Mỹ, 19% từ Đức và 7,9% từ Pháp./.