Hàn Quốc: Tranh cãi quanh chương trình đào tạo thần tượng khác thường

Hàn Quốc: Tranh cãi quanh chương trình đào tạo thần tượng đặc biệt

Chương trình đào tạo học viên nước ngoài trở thành thần tượng của Công ty giải trí hàng đầu Hàn Quốc SM Universe khiến nhiều bậc phụ huynh và người làm giáo dục lo lắng về tương lai của thế hệ trẻ.
Hàn Quốc: Tranh cãi quanh chương trình đào tạo thần tượng đặc biệt ảnh 1Học viên thực hành tại SM Universe. (Nguồn: Korea Joongang Daily)

Công ty giải trí hàng đầu Hàn Quốc SM Entertainment sẽ chấp nhận học viên nước ngoài vào Viện đào tạo thần tượng (idol) dưới dạng visa Hàn lưu (Hallyu).

Visa theo diện này sẽ bắt đầu nhận hồ sơ vào tháng Sáu năm nay, dự kiến thu hút rất nhiều giới trẻ quốc tế đến trường đào tạo idol.

SM Universe (SMU) được thành lập vào tháng 4/2022 bởi SM Entertainment - 1 trong 4 công ty giải trí hàng đầu Hàn Quốc, nhằm mục đích bồi dưỡng các nghệ sỹ toàn cầu.

SMU nằm tại Daechi-dong, quận Gangnam, phía nam thủ đô Seoul - khu vực tập trung các lớp học gia sư của Hàn Quốc.

Ngoài sinh viên Hàn Quốc, SM Universe dự kiến sẽ thu hút thêm rất nhiều sinh viên nước ngoài trong năm nay khi thị thực Hallyu được áp dụng.

Visa theo diện này sẽ cho phép tối đa 2 năm cư trú với những sinh viên theo học các học viện nghệ thuật - bao gồm SM Universe và đơn đăng ký sẽ bắt đầu mở vào tháng Sáu năm nay.

Với học phí khá đắt đỏ, trung tâm cung cấp chương trình học 3 năm, giảng dạy khả năng hát, nhảy, làm mẫu, diễn xuất, sản xuất âm nhạc. Các học viên tại đây được lựa chọn gắt gao thông qua chương trình thử giọng.

Một điều kiện tiên quyết nếu muốn nhập học SMU đó là các học viên không theo học ở bất kỳ trường chính quy nào.

Hiện, SMU hoạt động dưới dạng một trường học thông thường. Các lớp học tổ chức 5 ngày một tuần, từ 9h sáng-18h chiều.

Tuy nhiên, vì cấp 2 là bậc học giáo dục bắt buộc ở Hàn Quốc nên hầu hết học sinh đều đợi lên cấp 3 mới thôi học và chuyển qua SMU.

Hiệu trưởng của SM Universe cho biết để đảm bảo trình độ văn hóa tối thiểu cho học viên, SM Universe đã kết hợp cùng một trung tâm luyện thi có tiếng tại Hàn Quốc.

Các em sẽ phải dành ra 3 tiếng mỗi ngày để bổ túc các môn tiếng Hàn, tiếng Anh, Toán và Lịch sử để vượt qua bài kiểm tra Phát triển Giáo dục Tổng hợp (GED) - chứng chỉ tương đương với bằng cấp 3.

Các lớp ôn thi SAT cũng sẽ được tổ chức cho học sinh ngoại quốc.

[Người Hàn Quốc chi 20 tỷ USD mỗi năm cho việc học thêm của con trẻ]

Tuy nhiên mô hình đào tạo mới mẻ này đang vấp phải rất nhiều chỉ trích. Dư luận cho rằng bỏ học là một lựa chọn mạo hiểm khi không phải ai cũng có thể thành công trong lĩnh vực giải trí.

Một giáo viên trường trung học giấu tên bày tỏ lo lắng: "Nếu các cơ sở giáo dục không có chương trình giảng dạy phù hợp, học sinh sẽ là người chịu thiệt hại nặng nề nhất."

Tuy nhiên, một bộ phận học sinh lại có quan điểm khác. Một học sinh chia sẻ: "Em không thích nghi được với trường học bình thường và luôn lo cho tương lai của mình. Thế nhưng ở SMU, em cảm thấy không bị lãng phí thời gian."

Xu hướng giáo dục này hiện đang khiến rất nhiều bậc phụ huynh và người làm giáo dục lo lắng về tương lai của thế hệ trẻ, đặt biệt là ở một đất nước coi trọng giáo dục như Hàn Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục