Hàn Quốc ưu tiên giải pháp ngoại giao cho mâu thuẫn với Nhật Bản

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tái khẳng định việc giải quyết những tranh cãi thương mại giữa nước này và Nhật Bản thông qua biện pháp ngoại giao vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Hàn Quốc ưu tiên giải pháp ngoại giao cho mâu thuẫn với Nhật Bản ảnh 1Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (thứ 2, trái) phát biểu tại cuộc họp ở Seoul ngày 15/7. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Ngày 15/7, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tái khẳng định việc giải quyết những tranh cãi thương mại giữa nước này và Nhật Bản thông qua biện pháp ngoại giao vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Phát biểu tại cuộc họp với các trợ lý cấp cao ở Nhà Xanh (Phủ Tổng thống), Tổng thống Moon Jae-in nhấn mạnh việc Nhật Bản siết chặt quy định xuất khẩu sang Hàn Quốc cũng tương tự như việc tìm cách gây cản trở tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc.

Ông Moon Jae-in cảnh báo: "Nếu đó là điều mà Nhật Bản muốn làm, điều đó sẽ không bao giờ thành công."

Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng tỏ thái độ bất bình trước cáo buộc của Nhật Bản về việc Seoul vi phạm các biện pháp trừng phạt quốc tế thông qua hoạt động xuất khẩu các mặt hàng bị cấm sang Triều Tiên. Ông gọi điều này là "thách thức nghiêm trọng" đối với Chính phủ Hàn Quốc vốn đang nỗ lực hết sức để cải thiện mối quan hệ liên Triều và hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên "trong khuôn khổ" các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc.

[Quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản chờ đợi ''sự hòa hợp tốt đẹp'']

Ông Moon Jae-in khẳng định Seoul vẫn đang tuân thủ tuyệt đối các quy định kiểm soát xuất khẩu quốc tế lớn và các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Cũng trong phát biểu của mình, Tổng thống Moon Jae-in khẳng định người dân Hàn Quốc sẽ vượt qua những trở ngại và khó khăn hiện tại do các biện pháp mà Nhật Bản áp đặt gây ra, như những gì mà họ đã từng làm khi đối mặt với các khó khăn với "sức mạnh đoàn kết." Ông cảnh báo các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ mất niềm tin đối với các mối quan hệ đối tác với Nhật Bản và sẽ phải đa dạng hóa tuyến cung ứng các nguyên liệu cần thiết hoặc thúc đẩy sản xuất trong nước.

Mặc dù chỉ trích động thái của Nhật Bản đi ngược lại với sự phát triển mối quan hệ song phương, Tổng thống Hàn Quốc vẫn bày tỏ hy vọng Chính phủ Nhật Bản sẽ rút lại hành động gây sức ép đơn phương và quay trở lại đàm phán để hướng tới một giải pháp ngoại giao.

Ông ngỏ ý Hàn Quốc sẵn sàng tham vấn về phương án thay thế đề nghị mà Seoul đưa ra trước đó về việc các công ty của hai nước thành lập một quỹ bồi thường chung cho các nạn nhân lao động cưỡng bức thời chiến, nhấn mạnh đấy không phải là "giải pháp duy nhất." Ông đồng thời kêu gọi sự ủng hộ của các đảng chính trị trong nước đối với chính quyền tự do của ông trong nỗ lực vượt qua điều mà ông gọi là tình huống khẩn cấp chưa từng xảy ra.

Trước đó, ngày 4/7 vừa qua, Nhật Bản bắt đầu siết chặt quy định xuất khẩu sang Hàn Quốc ba vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chất bán dẫn và màn hình - gồm nhựa nhiệt dẻo (fluorinated polyimide), chất cản màu (resist) và hydro clorua có độ tinh khiết cao (HF).

Nhật Bản còn xúc tiến việc loại Hàn Quốc ra khỏi "Danh sách trắng" các quốc gia hữu hảo, điều này có thể ảnh hưởng tới hoạt động cung cấp các nguyên liệu chính cần để chế tạo điện thoại thông minh, ti vi, hóa chất và các nguyên liệu công nghiệp khác.

Quyết định của Nhật Bản được đưa ra trong bối cảnh hai nước tranh cãi về vấn đề bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, Tokyo khẳng định biện pháp này được đưa ra vì lý do an ninh, không phải để trả đũa Seoul trong vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến.

Giới chức Nhật Bản cho rằng một số lượng hydrogen fluoride xuất khẩu sang Hàn Quốc đã được chuyển đến Triều Tiên. Loại vật liệu này thường được sử dụng để sản xuất thiết bị bán dẫn song cũng có thể dùng để chế tạo bom hóa học.

Giới quan sát nhận định căng thẳng thương mại giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đang leo thang, trong bối cảnh Tokyo dường như sẵn sàng mở rộng quy mô kiểm soát xuất khẩu vượt ra khỏi lĩnh vực nguyên liệu công nghệ cao, động thái có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Chuyên gia Kim Gyu-pan từ Viện Nghiên cứu Chính sách Kinh tế Quốc tế của Hàn Quốc cho rằng: "Các quy định của Nhật Bản về danh sách trắng bao trùm một danh sách toàn diện các mặt hàng dựa trên những tiêu chuẩn tùy hứng liên quan tới mối lo ngại an ninh quốc gia, khiến các doanh nghiệp Hàn Quốc thêm lo ngại. Các nguyên liệu hóa học công nghệ cao và pin lithium, vốn đang được sử dụng trong ứng dụng quân sự cũng như một số công cụ máy móc, có thể nằm trong danh mục hạn chế xuất khẩu bổ sung của Nhật Bản."

Trong khi đó, một số nhà quan sát dự đoán động thái của Nhật Bản có thể sẽ dịu bớt sau cuộc bầu cử Thượng viện hôm 14/7 vừa qua, bởi Thủ tướng Shinzo Abe được cho muốn tận dụng vấn đề thương mại để giành lợi thế chính trị.

Chuyên gia phân tích Kong Dong-rak thuộc công ty chứng khoán Daishin chia sẻ: "Khác với tranh cãi thương mại truyền thống áp đặt thuế với bên còn lại, việc Nhật Bản hạn chế xuất khẩu có thể giảm thặng dư thương mại giữa nước này với Hàn Quốc. Nếu tranh cãi thương mại song phương gia tăng, chính Nhật Bản cũng sẽ chịu tổn thất kinh tế đáng kể"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục