Tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc, quá hạn có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Vì vậy, các lực lượng chức năng đã đẩy mạnh các giải pháp nhằm kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn từ xa các hành vi vi phạm pháp luật.
Liên tục bắt giữ thực phẩm bẩn
Ngày 1/12, Đội Quản lý thị trường số 22 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp Đội 4, Phòng Cảnh sát Môi trường và Công an quận Bắc Từ Liêm tiến hành kiểm tra đột xuất một cơ sở kinh doanh tại phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm phát hiện 1 tấn ức vịt và 180kg cánh gà đông lạnh.
Chủ hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ, không có căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ hàng hóa. Do đó, toàn bộ số thực phẩm trên đã bị thu giữ và tiêu hủy theo quy định của pháp luật.
[Lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm dịp Tết 2023]
Trước đó, Phòng 6, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 17 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) triệt phá một kho hàng thực phẩm đông lạnh với quy mô lớn tại địa bàn huyện Mê Linh, Hà Nội. Bên trong các thùng hàng chủ yếu chứa các sản phẩm thực phẩm đã qua sơ chế như chân gà, móng lợn, dê muối và nhiều đùi lợn muối có nhãn mác nước ngoài…
Một điểm chung là tất cả sản phẩm đều được nhập khẩu và đều là lô hàng 3 không: Không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch và không được cấp phép nhập khẩu theo quy định. Về cảm quan khó phát hiện ra là thực phẩm bẩn nhưng trên tem mác cho thấy nhiều thực phẩm đã hết hạn từ 1 năm, thậm chí là gần 2 năm.
Theo ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, vào dịp Tết Nguyên đán, lượng thực phẩm được người tiêu dùng mua và sử dụng tăng cao. Đây cũng là thời điểm trên thị trường xuất hiện các loại thực phẩm của những cơ sở sản xuất kinh doanh theo thời vụ, không chấp hành đầy đủ quy định về điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng hoặc quá hạn sử dụng...
Nhằm qua mắt lực lượng chức năng các đối tượng vi phạm thường dùng thủ đoạn chia nhỏ, để cất giấu, trà trộn với hàng hóa hợp pháp, hay vận chuyển qua dịch vụ chuyển phát nhanh; giao dịch qua thương mại điện tử, ứng dụng internet...
“Có trường hợp các đối tượng làm giả giấy tờ kiểm định của cơ quan thú y đã gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình ngăn chặn thực phẩm bẩn,'' ông Trần Việt Hùng nêu rõ.
Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn từ gốc
Liên quan tới lĩnh vực này, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã thành lập hàng trăm đoàn thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm. Qua kiểm tra 20.688 cơ sở, đã phát hiện và xử lý hơn 3.600 cơ sở vi phạm.
Tuy vậy, để ngăn chặn vấn nạn này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cho rằng công tác kiểm soát chất lượng hàng hóa phải dựa trên các quy chuẩn và tiêu chuẩn và phải làm thường xuyên.
“Vấn đề cần lưu ý và quan tâm là cơ quan quản lý cũng như tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thường xuyên kiểm tra, phát hiện, xử lý, nhằm ngăn chặn các vi phạm,” ông Hùng nhấn mạnh.
Hiện nay, để tăng cường kiểm soát hàng hóa, nhiều siêu thị cũng tăng cường các biện pháp để truy suất nguồn gốc, tập trung vào các nguồn thực phẩm an toàn.
Đại diện Saigon Corp thông tin thêm năm nay dự trữ hàng hóa Tết tăng từ 15-20% so với năm trước. Đặc biệt, doanh nghiệp luôn chú trọng vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm, tăng kiểm soát đầu vào và trang bị xe thí nghiệm thực phẩm.
Còn tại chợ truyền thống, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết đơn vị đã tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh thực phẩm, ăn uống trên địa bàn.
"Trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ triển khai xây dựng tại một số chợ trạm xét nghiệm nhanh chất lượng sản phẩm; hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ hoàn thiện các điều kiện theo quy định để được cấp biển nhận diện...," bà Lan cho hay.
Mới đây, Tổng cục Quản lý thị trường cũng ban hành Kế hoạch số 10/KH-TCQLTT về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2022, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Trong Kế hoạch này, Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các địa phương tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các kho bãi, điểm tập kết hàng hóa gần biên giới, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, kho chứa hàng đông lạnh, các đơn vị nhập khẩu kinh doanh thực phẩm đông lạnh, các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, các tuyến đường bộ, đường sắt nhất là các địa bàn trọng điểm tại các tỉnh biên giới, thành phố lớn.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết lãnh đạo Tổng cục đã yêu cầu đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông kết hợp công tác kiểm tra, xử lý vi phạm với việc vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên thị trường tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả bằng các hình thức đa dạng, thiết thực; thực hiện ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng.
“Từ nay đến Tết Nguyên đán, lực lượng Quản lý thị trường 63 tỉnh, thành sẽ tập trung ngăn chặn hàng kém chất lượng tuồn vào thị trường tiêu thụ trong dịp Tết,” ông Trần Hữu Linh nói.
Về phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo ngành nông nghiệp các địa phương có kế hoạch, giải pháp đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm cân đối cung cầu mặt hàng lương thực, thực phẩm để ổn định giá cả; phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức thực hiện những biện pháp kiểm soát hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm liên quan, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới. Trong đó, chú trọng tới mặt hàng thịt lợn để phục vụ nhu cầu người dân trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán./.