Gần 9.000 vụ xử lý vi phạm trong năm 2014 (tăng 24% so với năm 2013) là những con số nói lên sự quyết tâm của lực lượng quản lý thị trường trong việc đấu tranh, ngăn chặn hoạt động buôn lậu và sản xuất hàng giả trên địa bàn Thủ đô.
Bên lề Hội nghị "Tổng kết công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015," do Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội tổ chức sáng 9/1, ông Vương Trí Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã có cuộc trao đổi với Vietnam+ về các giải pháp trong việc chống buôn lậu, hàng giả dịp Tết Nguyên đán năm nay.
- Xin ông cho biết tình hình thị trường những ngày giáp Tết Nguyên đán 2015 có gì đặc biệt?
Ông Vương Trí Dũng: Có thể nói trong dịp cuối năm, tình hình buôn bán hàng lậu, hàng giả trên địa bàn Hà Nội thường có một số biến động tăng. Do vậy, nắm bắt tình hình đó, ngay từ tháng 11/2014, Ban chỉ đạo Chống buôn lậu và hàng giả Hà Nội (Ban 389 Hà Nội) đã chỉ đạo các quận huyện ra quân quyết liệt để kiểm tra, kiểm soát thị trường. Nhờ vậy, hoạt động buôn bán hàng lậu, hàng giả có chiều hướng giảm mạnh.
Đánh giá chung của chúng tôi cho rằng, đối với hàng hóa thì không thiếu nhưng không dồi dào nhất là những mặt hàng như: ấn phẩm, đồ chơi... hiện đã giảm hẳn so với các năm.
- Gần đây nổi lên vấn đề hàng giả do các doanh nghiệp Việt Nam đặt nước ngoài sản xuất, vấn đề này được lực lượng Quản lý thị trường đấu tranh ngăn chặn như thế nào?
Ông Vương Trí Dũng: Đúng vậy, qua công tác kiểm tra thị trường cho thấy việc phát hiện các mặt hàng có dấu hiệu gian lận thương mại về chủng loại, số lượng cũng như giả mạo nhãn hiệu hàng hóa được sản xuất trong nước có dấu hiệu tăng lên.
Đơn cử vừa qua Đội Quản lý thị trường số 14 phối hợp với công an Hà Nội chỉ kiểm tra 6 điểm kinh doanh thôi đã thu tới 100.000m vải giả nhãn hiệu của LV, Gucci... đây là nguồn nguyên liệu để đưa vào sản xuất xuất các loại quần áo, túi xách giả mạo trên địa bàn.
Gần đây nhất, Đội Quản lý thị trường số 15 phối hợp với phòng trinh sát ngoại tuyến Công an Hà Nội kiểm tra thị trường đã phát hiện hàng hóa giả mạo xuất xứ không chỉ của Việt Nam như giả mạo vòng bi, phụ tùng ôtô của hãng Honda... đây là hàng được các chủ Việt Nam đặt hàng từ Trung Quốc để đưa vào thị trường tiêu thụ.
Ngoài ra, qua kiểm tra chất lượng hàng hóa trên khâu lưu thông đối với nhóm thực phẩm chức năng, thực phẩm nhập khẩu... cũng phát hiện nhiều thành phần chính không đạt yêu cầu như công bố của nhà sản xuất, thậm chí thời hạn sử dụng không rõ ràng để đưa về Việt Nam có thể sửa lại.
- Trước những diễn biến hiện nay, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã có giải pháp như thế nào?
Ông Vương Trí Dũng: Có thể nói với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban chỉ đạo 389 Trung ương thì điểm khác biệt so với mọi năm là năm nay các lực lượng chống buôn lậu đã ra quân rất sớm, ngay từ tháng 11 các lực lượng đã có kế hoạch triển khai.
Riêng Hà Nội đã tập trung vào 3 trọng điểm, đối với các cơ sở sản xuất lực lượng quản lý thị trường đã tập trung kiểm tra các nguồn nguyên liệu cung ứng. Tiếp đến là tập trung kiểm tra các kho bãi trên địa bàn và cuối cùng là đẩy mạnh kiểm tra các mặt hàng liên quan đến cháy nổ, thực phẩm... đều được rà soát, kiểm tra rất chặt chẽ.
Có thể thấy, tất các các cuộc kiểm tra này đều có liên quan đến vấn đề con người nên lãnh đạo Chi Cục Quản lý thị trường đã phân công theo từng địa bàn, từng lĩnh vực và các cán bộ chiến sỹ, qua đó gắn trách nhiệm nếu để xảy ra các vụ việc lớn trên địa bàn mà bị các đơn vị khác phát hiện sẽ bị xử lý kỷ luật.
Qua những công việc cụ thể này cho thấy, việc bày bán công khai một số lĩnh vực như thuốc lá điếu nhập ngoại hay hàng giả... trên một số tuyến phố đã giảm.
Tuy nhiên, khi làm sâu cũng đã nảy sinh ra một số vấn đề khó khăn, đơn cử nhiều chủ sở hữu đã không có kiến nghị hoặc không có sự xác nhân liên quan đến mặt hàng của mình bị làm giả trên thị trường, dẫn đến việc khó khăn trong việc xử lý.
Thứ hai là việc tiêu hủy hàng giả cũng rất phức tạp, nhiều khi bắt được hàng hóa vi phạm rồi nhưng theo quy định lại bắt doanh nghiệp phải phối hợp để tiêu hủy dẫn đến sự thiếu hợp tác và rất khó thực hiện.
- Việc thành lập Ban chỉ đạo Chống buôn lậu và gian lận thương mại mới (Ban 389 Hà Nội) thay cho Ban chỉ đạo 127/Hà Nội trước đây đã góp phần như thế nào trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả trên địa bàn Hà Nội thưa ông?
Ông Vương Trí Dũng: Năm nay, với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban chỉ đạo 389 các cấp có thể thấy hiệu quả của công tác chống buôn lậu, hàng giả đã đạt được nhiều chuyển biến quan trọng. Lãnh đạo Ban chỉ đạo 389 thường xuyên xuống địa bàn nóng và khi có thông tin cũng trực tiếp xuống kiểm tra.
Tất cả động thái như vậy cùng với việc bổ sung thêm cơ sở vật chất nên lực lượng Quản lý thị trường và Công an Hà Nội đã ký được quy chế trao đổi thông tin, cũng như quy trình kiểm tra đã được rút gọn đơn giản, nên các vụ kiểm tra, xử lý đã được thành phố đánh giá cao, có tác dụng nâng cao tính răn đe đối với các đối tượng vi phạm pháp luật.
Hiện nay, theo yêu cầu, việc kiểm tra hàng hóa trước trong và sau tết, trên tất cả các tuyến trọng điểm và khu vực lễ hội có thể nói với sự phối hợp đồng bộ của các Ban chỉ đạo 389 địa phương thì chắc chắn việc an toàn cho người dân sẽ được nâng cao hơn so với thời gian trước.
- Xin cảm ơn ông./.