Bất chấp khủng hoảng

Hàng không thế giới tươi sáng bất chấp khủng hoảng

Khoảng 35.000 máy bay mới sẽ được bàn giao cho khách hàng trong thời gian từ nay đến năm 2032, với tổng giá trị đặt hàng 4.800 tỉ USD.
Triển lãm Hàng không Vũ trụ Quốc tế (SIAS) luôn là dịp để các hãng sản xuất, đứng đầu là Airbus và Boeing, thông báo các đơn đặt hàng quan trọng được lấy làm chỉ số đo sức khỏe của lĩnh vực có tiềm năng phát triển ngoại hạng này.

Trong bối cảnh kinh tế châu Âu suy thoái và kinh tế toàn cầu phát triển chậm lại, và khác hẳn bầu trời xám xịt tại sân bay Bourget (Pháp), nơi đang diễn ra SIAS 2013 (17-23/6), thị trường hàng không thế giới vẫn cho thấy một triển vọng thực sự tươi sáng.

Theo dự báo ngày 11/6 của Boeing, trong vòng 20 năm tới, số máy bay dân dụng được đưa vào sử dụng trên toàn thế giới sẽ tăng gấp đôi.

Sau một đầu năm ảm đạm, các hãng sản xuất đồng loạt thông báo "những cơn mưa hợp đồng mới", tất nhiên lợi thế vẫn thuộc về Airbus và Boeing.

Trước khi đến Bourget, mỗi ông lớn đều đã nắm trong tay hơn 500 đơn đặt hàng các loại. Sau Triển lãm Dubaï (17-21/11/2012), vốn có truyền thống nhiều đơn đặt hàng, Airbus và Boeing có thể bán được tổng cộng hơn 2.000 máy bay các loại trong năm 2013.

[Trị giá đơn đặt hàng Paris Airshow vượt 100 tỷ USD]

Tính từ năm 2005, hai hãng khổng lồ này đã ký hợp đồng bán khoảng 15.000 chiếc và tất cả không dừng lại ở đó.

Theo đánh giá chung, sẽ có không dưới 35.000 máy bay mới được bàn giao cho các khách hàng trong thời gian từ nay đến năm 2032, đưa tổng giá trị các đơn đặt hàng theo giá catalogue lên 4.800 tỉ USD.

Số liệu này cho thấy hàng không dân dụng luôn là thị trường đặc biệt, có rất ít lĩnh vực có tiềm năng trong một thời gian dài như vậy.

Sự bùng nổ các đơn đặt hàng được lý giải ở các dự báo tăng trưởng dịch vụ vận chuyển hành khách nhiều năm tới, với trung bình 5% mỗi năm. Từ 3 tỉ hành khách năm 2013, con số dự báo được nâng ít nhất gấp đôi vào năm 2032 bất chấp hoài nghi của nhiều nhà công nghiệp.

Thực tế thập kỷ qua cho thấy không có bất cứ yếu tố nào, kể cả giá nhiên liệu tăng vọt, luật bảo vệ môi trường hay phát triển công nghệ, gây cản trở đối với tăng trưởng của lĩnh vực hàng không dân dụng.

Đánh giá tăng trưởng dài hạn của công nghiệp hàng không dân dụng hầu như không thay đổi và đây là một trong số rất ít các dự báo kinh tế được đưa ra chính xác trong nhiều năm qua.

Tăng trưởng của bất cứ lĩnh vực nào cũng gắn chặt với tăng trưởng của kinh tế toàn cầu và trong bối cảnh hiện nay, lĩnh vực hàng không dân dụng chắc chắn sẽ ít năng động hơn so với những năm đầu thế kỷ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế châu Âu, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này có thể được khôi phục trong vài năm tới để đạt mức trung bình 2% ở các nước phát triển và 4% ở các nền kinh tế đang nổi lên (BRICS). Kinh tế phục hồi sẽ tạo điều kiện phát triển các tầng lớp trung lưu có khả năng sử dụng máy bay.

Việc thúc đẩy chính sách tự do hóa lĩnh vực hàng không dân dụng, với sự xuất hiện của nhiều hãng hàng không mới, đặc biệt là các hãng giá rẻ, và việc nhiều nước ký hiệp định "bầu trời mở" là đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ.

Ngoài ra, cũng cần nhắc đến chủ trương hoặc nhu cầu đổi mới các phi đội bay của các hãng vận tải. Theo đánh giá của riêng Airbus, nhu cầu kiểu này có thể chiếm gần 30% các đơn đặt hàng từ nay đến năm 2032, thậm chí 42% ở khu vực Bắc Mỹ.

Mặc dù giá dầu có thể tăng, nhưng với công nghệ mới phát triển, thị trường sẽ xuất hiện rất nhiều mẫu máy bay tiêu thụ ít nhiên liệu và điều này vẫn đảm bảo khả năng khai thác của các hãng vận tải.

Theo thông báo của các hãng sản xuất, hành khách sẽ được chứng kiến sự xuất hiện trên thị trường của các máy bay A350-900 vào năm 2014; A320 năm 2015; Boeing 737 MAX, MS-21 (Nga), A350-1.000 năm 2017; gia đình máy bay Embraer năm 2018, Boeing 777 năm 2020...

Đó là chưa kể sự xuất hiện của các máy bay tầm xa đình đám như Boeing 787, Boeing 747-8 và A380.

Trong số các mẫu máy bay mới, các loại tầm trung luôn chiếm tỉ lệ áp đảo trong các đơn đặt hàng (theo Airbus là 69%) và các hãng vận chuyển của nhóm nước đang nổi lên (BRICS) luôn có nhu cầu lớn nhất.

Theo Airbus, châu Á chắc chắn chiếm vị trí hàng đầu thế giới trong danh sách nhận bàn giao các máy bay mới. Trong năm 2013, chỉ riêng các khách hàng châu Á đã chiếm 40% số thành phẩm bàn giao của Airbus.

Với 102 đơn đặt hàng dành cho sản phẩm mới B7787-10 với tổng giá trị 30 tỉ USD theo giá catalogue, Boeing thực sự vượt trước đối thủ châu Âu là Airbus, nhà sản xuất vừa ký được một hợp đồng khổng lồ với Easyjet.

Hãng hàng không giá rẻ này sẽ mua của Airbus 135 máy bay A320, trong đó có 100 chiếc mẫu Neo, với tổng giá trị hợp đồng 12 tỉ USD theo giá catalogue.

Sau sự xuất hiện ngoạn mục của Embraer ngày đầu tiên tại Triển lãm Bourget với 365 đơn đặt hàng chắc chắn và nhiều đề nghị được ghi nhận cho gia đình máy bay mới của hãng này, đến lượt Boeing gây chú ý trong ngày thứ hai với hơn 30 tỉ USD cho các đơn và đề nghị đặt hàng mới, vượt xa con số 12 tỉ của Airbus.

Khách hàng lớn của Boeing dịp này là United, ALC, British Airways, Singapore Airlines. Đặc biệt, người khổng lồ Mỹ đã nhận của Korean Airlines một đơn đặt hàng bổ sung 5 máy bay hạng nặng B747-8 và cam kết sẽ mua thêm 7 máy bay B777-300ER tổng giá trị 3,6 tỉ USD.

Tại SIAS Bourget, Boeing tiếp tục khẳng định ngôi vị số một trong thị trường hàng không dân dụng thế giới./.

Nguyễn Tuyên (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục