Giới chức Hy Lạp ngày 21/3 cho biết hơn 1.600 người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ đã kéo tới Hy Lạp bất chấp việc thoả thuận giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư giữa Liên minh châu Âu (EU) và Ankara đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 19/3.
Trên đảo Lesbos của Hy Lạp, được xem là điểm đến chính của những người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ, cơ quan chức năng đang nỗ lực chuyển những người di cư từ các trại tiếp nhận tị nạn cũ sang các trại mới, trong khi hàng trăm nhân viên mà EU hứa hẹn huy động hỗ trợ Hy Lạp vẫn chưa tới.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã phải thừa nhận việc giải quyết vấn đề người di cư "không hề dễ dàng."
Thỏa thuận EU và Ankara đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra ngày 17-18/3 tại Brussels (Bỉ) nhằm mục đích ngăn chặn dòng người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ tới các hòn đảo của Hy Lạp - nơi 850.000 người di cư đã qua để tới châu Âu hồi năm ngoái, hầu hết trong số đó là người Syria chạy trốn chiến tranh.
Theo thỏa thuận này, tất cả những người di cư vượt biển tới các hòn đảo của Hy Lạp sẽ bị đưa trả về Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, Cơ quan điều phối giải quyết khủng hoảng của Thổ Nhĩ Kỳ (SOMP) cho biết hiện dòng người di cư vẫn tiếp tục kéo tới và việc làm thủ tục hồi hương hết số người di cư này là vô cùng khó khăn.
Kể từ khi thỏa thuận trên có hiệu lực, 1.662 người di cư đã tới Hy Lạp, bao gồm 830 người tới đảo Chios và 698 người ở đảo Lesbos - hai đảo có vị trí gần Thổ Nhĩ Kỳ.
Người phát ngôn của SOMP cho rằng tình trạng này "sẽ gây ra vấn đề bất đồng và đặt ra những câu hỏi về ý định của tất cả các bên liên quan tới thỏa thuận" để giải quyết cuộc khủng hoảng.
Trong khi đó, cùng ngày, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi đã bày tỏ quan ngại về thỏa thuận gây tranh cãi giữa EU-Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết sẽ xem xét khả năng thỏa thuận này vi phạm luật pháp quốc tế.
Phát biểu trong chuyến thăm tới Ottawa, ông Grandi nhấn mạnh "điều quan trọng hiện nay là phải nêu được cụ thể các bước thực hiện thỏa thuận và Liên hợp quốc cần phải biết được điều gì sẽ xảy ra trong những ngày tới."
Người đứng đầu UNHCR cho rằng thoả thuận phải được thực thi trên cơ sở đảm bảo được một số nguyên tắc bảo vệ cơ bản đối với người tị nạn, bao gồm quy định không gửi trả bất kỳ người di cư nào về đất nước gốc nếu điều này đi ngược lại ý nguyện của họ và trong trường hợp cụ thể hiện nay cơ quan chức năng phải cân nhắc "liệu người di cư có những lý do khiến họ sợ hãi khi bị gửi lại Thổ Nhĩ Kỳ hay không."
Thỏa thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ hiện cũng đã gặp phải sự chỉ trích từ các tổ chức nhân quyền và người biểu tình chống phân biệt chủng tộc trên khắp châu Âu./.