Hàng vạn du khách nô nức dự lễ hội mùa Thu Côn Sơn-Kiếp Bạc

Tiếp nối Lễ tưởng niệm, tại khu vực đê sông Lục Đầu đã diễn chương trình diễn xướng “Hùng khí Lục Đầu giang," một điểm nhấn độc đáo của Lễ hội mùa thu Côn Sơn-Kiếp Bạc năm 2019.
Hàng vạn du khách nô nức dự lễ hội mùa Thu Côn Sơn-Kiếp Bạc ảnh 1Màn biểu diễn nghệ thuật diễn xướng 'Hùng khí Lục Đầu giang.' (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN)

Thuộc địa phận huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, Côn Sơn-Kiếp Bạc không chỉ là quần thể kiến trúc cổ kính với cảnh quan thiên nhiên đẹp mà là hai di tích lịch sử nổi tiếng gắn liền với thân thế và sự nghiệp của anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.

Côn Sơn-Kiếp Bạc là di tích Quốc gia đặc biệt quan trọng, có quy mô bề thế với phong cảnh sơn thủy hữu tình thu hút khách du lịch đến tham quan hàng năm.

Khu di tích bao gồm các di tích lịch sử gắn liền với chiến công lừng lẫy 3 lần đánh thắng quân xâm lược Mông Nguyên lừng lẫy của quân dân nhà Trần ở thế kỷ XIII và cuộc kháng chiến 10 năm của nghĩa quân Lam Sơn chống quân Minh ở thế kỷ XV.

Khu di tích Côn Sơn nằm giữa hai dãy núi Phượng Hoàng và Kỳ Lân cùng với núi non, chùa tháp, rừng thông, khe suối và các di tích nổi tiếng gắn liền với cuộc đời của nhiều danh nhân trong lịch sử.

Ghé vãn cảnh chùa Côn Sơn, ngoài các công trình kiến trúc đặc sắc, du khách sẽ còn có cơ hội tìm hiểu về giếng Ngọc. Giếng Ngọc tọa lạc ở chân núi Kỳ Lân, trên đường lên Bàn Cờ Tiên, phía sau là Đăng Minh bảo tháp - nơi đặt xá lị Huyền Quang tôn giả.

Nằm ở vị trí cao hơn mái ngói chùa Côn Sơn nhưng mùa nào giếng Ngọc cũng luôn đầy nước. Người xưa quan niệm rằng giếng Ngọc là huyệt mạch của núi Côn Sơn và chính là mắt của Kỳ Lân. Đây không chỉ là nguồn nước quý của di tích mà còn là một điểm tham quan mang nhiều giá trị tâm linh.

Từ giếng Ngọc, bạn men theo các bậc đá leo lên đỉnh Côn Sơn có đặt Bàn Cờ Tiên - nơi Nguyễn Trãi cũng các bậc tiền nhân dừng chân chơi cờ. Từ đỉnh Côn Sơn, một vùng núi non hùng vĩ thu gọn lại trong tầm mắt người lữ hành.

Hàng vạn du khách nô nức dự lễ hội mùa Thu Côn Sơn-Kiếp Bạc ảnh 2Đền Kiếp Bạc. (Ảnh: Việt Đức/Vietnam+)

Năm 1330, Đệ Tam Thánh Tổ Huyền Quang mở rộng chùa, lập ra Cửu phẩm Liên Hoa. Năm 2017, công trình này đã được tôn tạo thành công tạo nên điểm nhấn kiến trúc trong cảnh quan thanh tịnh, linh thiêng của chốn Côn Sơn.

Tòa Cửu phẩm Liên Hoa gồm cây Phẩm 9 tầng và nhà Phẩm. Nhà Phẩm được dựng hoàn toàn bằng gỗ lim, gỗ vàng tâm, đá xanh Thanh Hóa, ngói mũi hài phục chế và hàng nghìn viên gạch Bát Tràng.

Với kết cấu 3 tầng, 12 mái, cả công trình tựa như một bông sen thanh thoát với 3 lớp cánh hoa mãn khai. Còn tòa tháp Cửu phẩm Liên Hoa hình bát giác 9 tầng cao 10,3m với những chi tiết chạm trổ, điêu khắc tinh xảo. Tất cả tạo nên một công trình nghệ thuật sáng tạo độc đáo của Phật giáo chỉ có duy nhất ở Việt Nam.

Đền Kiếp Bạc cách khu di tích Côn Sơn khoảng 5km là nơi thờ phụng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Cái tên Kiếp Bạc là do đền tọa lạc trên một thung lũng giao giữa hai làng Vạn Yên (làng Kiếp) và Dược Sơn (làng Bạc).

Đền Kiếp Bạc có địa thế vô cùng thuận lợi nhìn ra con sông Thương, sau lưng là núi Rồng sừng sững, bên tả có núi Bắc Đẩu, bên hữu là núi Nam Tào là nơi tụ khí để gây dựng cơ nghiệp. Đền bao gồm các công trình Tam quan, giếng Ngọc, các tòa điện thờ Hưng Đạo Vương, Phạm Ngũ Lão, công chúa Thiên Thành - phu nhân Hưng Đạo Vương và hai con gái Nhị vị Vương cô. Hiện đền có lưu giữ 7 pho tượng đồng mang giá trị văn hóa, tâm linh lớn.

Hàng năm, Lễ hội Côn Sơn-Kiếp Bạc được tổ chức 2 lần chính vào mùa xuân và mùa thu với nhiều hoạt động tín ngưỡng dân gian mang đậm nét văn hóa truyền thống đặc sắc, thu hút rất nhiều du khách thập phương về tham dự, vãn cảnh.

Lễ hội mùa thu Côn Sơn-Kiếp Bạc được tổ chức từ ngày 15 đến ngày 20 tháng Tám âm lịch hàng năm để tưởng nhớ ngày mất của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.

Lễ hội diễn ra với các nghi lễ như lễ rước cỗ tiến Thánh, lễ duyệt quân trên sông Lục Đầu, lễ cầu an, lễ ban ấn của Đức Thánh Trần, hội hoa đăng và rất nhiều trò chơi dân gian thu hút sự tham gia của người dân địa phương cũng như khách du lịch.

[Lễ đúc chuông chùa Côn Sơn tại Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc]

Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc năm 2019 dự kiến sẽ diễn ra tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn-Kiếp Bạc ở thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương, từ ngày 14-27/2 (tức từ mùng 10-23 tháng Giêng).

Chiều 30/1 tại cuộc họp báo về Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc năm 2019, bà Nguyễn Thị Việt Nga, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Lễ hội cho biết, điểm nhấn của Lễ hội năm nay là Lễ đúc chuông chùa Côn Sơn và Lễ khai hội mùa Xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc diễn ra ngày 20/2 (tức ngày 16 tháng Giêng).

Lễ đúc chuông chùa Côn Sơn dự kiến được tổ chức vào sáng 20/2 tại sân trước gác chuông chùa Côn Sơn.

Chuông nặng 1,2 tấn, cao 1,8m và có đường kính miệng chuông là 1,2m. Chuông chùa Côn Sơn treo ở tam quan nội, được phục dựng theo mẫu chuông chùa Vân Bản có niên đại thế kỷ thứ 14 thời Trần, gắn với chùa Vân Bản, tháp Tường Long ở vùng Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng.

Chuông chùa Vân Bản có hình trụ đứng, miệng loe, trang trí rồng trên quai, băng cánh sen trên các núm gõ và vành miệng, phản ánh đặc trưng nghệ thuật Phật giáo thời Trần.

Lễ Khai hội Mùa xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc năm 2019 sẽ diễn ra tối cùng ngày, được tường thuật trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Dương.

Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc năm 2019 được tổ chức gắn với hoạt động tưởng niệm 685 năm Ngày viên tịch của Đệ Tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả (1334-2019); qua đó, góp phần quảng bá các giá trị của Khu Di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn-Kiếp Bạc và nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, nhân dân trong việc gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Chương trình lễ hội gồm các nghi lễ độc đáo như Lễ dâng hương, tế khai hội mùa Xuân diễn ra ngày 14/2; Lễ Liên hoa hội thượng chùa Côn Sơn diễn ra vào ngày 18/2; Lễ dâng hương tại chùa Côn Sơn, đền Nguyễn Trãi, đền Trần Nguyên Đán, đền Kiếp Bạc, đền Nam Tào và đền Bắc Đẩu được tổ chức vào ngày 19/2; Lễ rước nước vào ngày 20/2; Lễ tế trên núi Ngũ Nhạc diễn ra vào ngày 21/2.

Bên cạnh đó tại lễ hội, nhiều hoạt động phần hội đặc sắc sẽ được tổ chức như Hội thi gói và nấu bánh chưng, Liên hoan Pháo đất, Hội thi gói và nấu bánh chưng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục