Giành thế thượng phong

Hàng Việt: Đã đến lúc giành thế thượng phong

Hàng "made in Vietnam" đang lấy lại thế thượng phong, tràn ngập khắp nơi, từ các siêu thị thành phố cho đến vùng nông thôn xa.
Sau khi Chính phủ áp dụng một loạt các biện pháp kích cầu, trong 6 tháng đầu năm 2009, hàng hóa lưu thông trên thị trường trong nước đã tăng mạnh từ 20 - 30%. Hàng "made in Vietnam" tràn ngập khắp nơi, từ các siêu thị thành phố cho đến vùng nông thôn xa.

Đánh bạt hàng ngoại

Lướt qua các cửa hàng và siêu thị thuộc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) dễ dàng nhận thấy, hàng hóa ở đây được bày bán đa dạng, phong phú và bắt mắt, nhưng bất ngờ hơn là các sản phẩm đều “Made in Vietnam”.

Bà Nguyễn Thị Thành, Phó Giám đốc chuỗi siêu thị Hapro cho biết hàng hóa Việt Nam giờ đã đẹp hơn, chất lượng hơn nên cũng thu hút được người tiêu dùng hơn.

Bà Thành khẳng định, hầu hết hàng hóa trong các siêu thị Hapro đều được sản xuất trong nước, hình thức và chất lượng không thua kém hàng ngoại nhập.

"Ở chuỗi siêu thị của chúng tôi, từ đồ ăn, thức uống, đến những mặt hàng tiêu dùng cao cấp như máy móc, đồ điện tử vốn trước kia do hàng ngoại chiếm ưu thế, thì nay đã nhường lại cho các mặt hàng sản xuất trong nước", bà Thành nói.

Say sưa trong gian hàng thời trang, chị Nguyễn Khánh Ly, Giám đốc Công ty thiết bị lọc nước và nội thất Đài Loan, phố Bát Sứ, Hà Nội không khỏi ngỡ ngàng bởi mẫu mã và kiểu dáng không thua kém gì hàng ngoại.

"Ngày trước, mỗi lần đi Đài Loan là mình phải khiêng hàng đống đồ bên đó về, nhiều khi xem mác mới giật mình nhìn thấy dòng chữ "made in Vietnam". Giờ chắc không phải lo mất công xách đồ nữa", chị Ly tâm sự.

Theo thống kê của siêu thị Big C, 6 tháng đầu năm 2009,  lưu chuyển hàng hóa sản xuất trong nước tại siêu thị này lên đến 91% trong tổng mức lưu chuyển hàng hoá - một con số chưa từng có.

Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc siêu thị Big C cho hay, nhiều mặt hàng sản xuất trong nước đã dần thay thế được các sản phẩm của Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Người tiêu dùng cũng chú trọng nhiều hơn đến việc lựa chọn các mặt hàng sản xuất trong nước.

"Họ đã có sự thay đổi trong cách mua hàng, thay vì hàng ngoại giá cao, giờ đây hàng Việt với mẫu mà đẹp đã được ưa chuộng hơn nhiều", ông Dũng nói.

Không chỉ các thành phố lớn, mà ngay tại các vùng nông thôn, trước đây vốn là "sân nhà" của hàng ngoại, hàng lậu, hàng kém chất lượng, thì giờ đây với chính sách kích cầu của Chính phủ, thông qua chương trình đưa hàng Việt về nông thôn do Bộ Công thương chủ trì, nhiều doanh nghiệp đã rất "ngỡ ngàng" bởi hàng hóa được bán rất chạy.

Thống kê của Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ doanh nghiệp BSA cho thấy, chỉ ba ngày diễn ra hội chợ hàng chất lượng cao vừa được tổ chức tại tỉnh Khánh Hòa, các doanh nghiệp đạt hơn 750 triệu đồng doanh thu. Trong hai ngày bán hàng tại Trà Vinh, toàn bộ hàng đã bán hết, doanh thu gần 900 triệu đồng.

"Cái được nhất của chương trình đưa hàng về nông thôn là những lo ngại của người dân về hàng giá rẻ, kém chất lượng, lỗi mốt, hàng nhái hoặc đại hạ giá... đã không còn", ông Võ Văn Quyền, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước, cơ quan chủ trì chương trình Xúc tiến thương mại nội địa của Bộ Công thương khẳng định.

Người Việt dùng hàng Việt - không chỉ là khẩu hiệu

Theo đánh giá của Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex), với mẫu mã phong phú và giá cả cạnh tranh, hàng may mặc trong nước giờ đã không thua kém các sản phẩm nước ngoài.

Vinatex mong muốn, các sản phẩm của ngành dệt may sẽ không ngừng vươn xa và "cắm rễ" trên mọi miền của đất nước, ông Vũ Đức Giang, Tổng Giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam nhấn mạnh.

Hiện tại, mạng lưới của Vinatex đã phát triển tới 22 tỉnh, thành phố, với tổng số 55 siêu thị, hơn 20 cửa hàng thời trang lớn nhỏ.

"Chiến lược sắp tới của chúng tôi là tiếp tục mở rộng hệ thống bán lẻ, đưa hàng tới tận các khu dân cư và tiếp cận mọi đối tượng khách hàng", ông Giang nói.

Nhiều năm lăn lộn trên thị trường nội địa, ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc bán hàng khu vực Nam Mêkông - Công ty trách nhiệm hữu hạn hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo cho biết: "chiến lược kinh doanh của Mỹ Hảo là lấy người tiêu dùng nội địa làm định hướng cho sản xuất của đơn vị".

Đây là tiền đề giúp Mỹ Hảo đạt mục tiêu tăng trưởng khả quan, bình quân hơn 20%/năm đồng thời cạnh tranh "một cách "sòng phẳng" với các "đại gia" trong ngành hóa, mỹ phẩm có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết, 100% đồ dùng của ông đều "made in Vietnam". Ông Tú cho rằng, người tiêu dùng Việt Nam vẫn rất tin dùng hàng nội địa. Điều quan trọng là doanh nghiệp phải biết nắm bắt nhu cầu của xã hội, đặc biệt là thị trường trong nước.

Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước Võ Văn Quyền nhận định, thông qua chương trình Xúc tiến thương mại thị trường nội địa, doanh nghiệp có cơ hội điều tra tâm lý, hành vi mua sắm, nhận thức của người tiêu dùng về giá cả, chất lượng, kiểu dáng đối với hàng hóa được sản xuất trong nước.

"Chúng ta sẽ giúp người tiêu dùng hướng tới mục tiêu: Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam vì nó tốt và rẻ", ông Quyền nói./.
Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục