Theo securitybrief.asia/moderndiplomacy.eu, mặc dù cuộc cách mạng kỹ thuật số đã mang lại nhiều lợi ích cho Đông Nam Á, song khu vực này còn có một cơ hội riêng để đạt được tiến bộ thậm chí còn nhanh hơn bằng việc củng cố các nền tảng của nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển.
Theo đó, Bộ Ngoại giao Thái Lan đang cố gắng đưa Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trở thành một tổ chức “được kết nối liền mạch” và an ninh mạng sẽ đóng góp vào tầm nhìn đó.
Với cương vị là chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2019, Thái Lan đặt mục tiêu thúc đẩy cộng đồng hướng tới một tương lai mà ở đó, ASEAN sẽ trở thành một hiệp hội kỹ thuật số.
Dựa trên tầm nhìn đó, Thái Lan đã đẩy mạnh tiến trình và các cuộc tranh luận giữa các quốc gia thành viên ASEAN, tất cả đều có thông điệp rằng ASEAN cần phải phát triển nhanh hơn nữa để đối phó với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Mỗi lĩnh vực của nền kinh tế tại các nước ASEAN có thể làm được nhiều hơn trong việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số và mô hình kinh doanh thông minh.
Để giúp các khu vực tư nhân, các chính phủ cũng cần phải tự biến đổi: sử dụng các công nghệ như phân tích dữ liệu và hệ thống thông minh, phát triển các nền tảng kỹ thuật số và sắp xếp hài hòa các cách tiếp cận với các quy trình pháp lý đặc biệt cho an ninh mạng, nhận dạng kỹ thuật số và quản lý dữ liệu.
Boutheina Guermazi, Giám đốc Phát triển Kỹ thuật số của Ngân hàng Thế giới, nói: “Đông Nam Á đã có những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực kỹ thuật số. Tuy nhiên, mặc dù người dân đã chấp nhận các dịch vụ kỹ thuật số, song các doanh nghiệp và chính phủ lại áp dụng chúng khá chậm. Các quy định và sự thiếu tin tưởng vào các giao dịch điện tử kìm hãm sự phát triển của các hệ thống kỹ thuật số.”
Do đó, các nước ASEAN cần vượt qua những thách thức này để tạo ra các nền kinh tế kỹ thuật số toàn diện, mạnh mẽ.
[Thái Lan tích cực hiện thực hóa đề án thành phố thông minh]
Trong khi đó, ông Chaisiri Anamarn - Cố vấn cho Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan - phát biểu tại một hội nghị hồi tháng 5/2019 rằng: “Các lỗ hổng kỹ thuật số đã bị các nhóm tội phạm lợi dụng rộng rãi. Việc thúc đẩy an ninh mạng cần phải trở thành một nỗ lực của tất cả các quốc gia và ở cấp độ khu vực, nó đòi hỏi cách tiếp cận tổng thể của ASEAN.”
Để giải quyết các rủi ro và lỗ hổng khi chuyển đổi kỹ thuật số, cần ưu tiên các tiêu chuẩn và quy định hiệu quả cho các giao dịch điện tử, luồng dữ liệu xuyên biên giới, an ninh mạng, bảo mật dữ liệu và bảo vệ người tiêu dùng.
Các biện pháp vững chắc trong những lĩnh vực này là rất cần thiết để xây dựng niềm tin vào các nền tảng trực tuyến và tạo ra các nền kinh tế kỹ thuật số an toàn, bền vững.
Vào tháng 2/2019, Thái Lan đã thông qua Đạo luật An ninh mạng để bảo vệ các cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng của quốc gia (CII). CII ám chỉ đến các máy tính và hệ thống máy tính được các cơ quan chính phủ hoặc bộ phận tư nhân sử dụng để bảo vệ an ninh quốc gia hoặc cung cấp các dịch vụ thiết yếu, như tài chính, ngân hàng, năng lượng và chăm sóc sức khỏe.
Danh sách này cuối cùng sẽ được mở rộng để đối phó với các mối đe dọa an ninh mạng một cách hiệu quả hơn. Trong bối cảnh công nghệ kỹ thuật số biến đổi gần như tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế-xã hội, lực lượng lao động trong khu vực cũng cần có các kỹ năng bắt kịp xu hướng.
Các hệ thống giáo dục sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kiến thức về kỹ thuật và các kỹ năng mềm cần có để cạnh tranh trong nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu.
Với tốc độ thay đổi về công nghệ, khả năng thích ứng và không ngừng học tập, cũng như sự hợp tác hiệu quả hơn giữa khu vực công và khu vực tư nhân, sẽ ngày càng quan trọng hơn bao giờ hết.
Thái Lan biết rằng các chính phủ cần phải hiểu rõ những rủi ro an ninh mạng để họ có thể nâng cao nhận thức và tuyên truyền cho công chúng.
Theo ông Chaisiri Anamarn, các chính phủ cũng nên giáo dục người dân và xác định cách tuyên truyền cho các nhóm có thể trở thành mục tiêu bị tấn công, chẳng hạn như sinh viên đại học, nhân viên các cơ quan chính phủ và khu vực tư nhân, để họ có thể biết cách tự bảo vệ chính mình khỏi các mối đe dọa mạng.
Tuy nhiên, sự phát triển kỹ thuật số ở Đông Nam Á không thể chỉ dựa vào các nền tảng ảo. Một lĩnh vực hậu cần hoạt động tốt là rất quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế kỹ thuật số, đặc biệt là thương mại điện tử.
Trong khu vực, một khung pháp lý hiện đại hóa về hậu cần có thể làm tăng khả năng cạnh tranh, giảm chi phí hậu cần và cải thiện chất lượng dịch vụ. Tương tự như vậy, hội nhập khu vực, bao gồm các quy định hài hòa và tạo thuận lợi cho các giao dịch giữa các nước ASEAN, có thể tạo ra một thị trường kỹ thuật số tích hợp có lợi cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Bộ Ngoại giao Thái Lan cũng công nhận rằng an ninh mạng là trách nhiệm chung của nhiều quốc gia. Họ cũng phải nhận thức được các mối đe dọa mạng - cụ thể là việc công nghệ tạo điều kiện cho các cuộc tấn công mạng và tội phạm mạng như thế nào.
Bộ Ngoại giao Thái Lan khẳng định: “ASEAN cần có một số cơ chế về an ninh mạng, bao gồm Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về An ninh mạng (AMCC), Hội nghị Bộ trưởng Viễn thông và Công nghệ thông tin ASEAN (TELMIN), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)…”
Các nền tảng tập trung vào ASEAN này phản ánh những nỗ lực để phát triển một khuôn khổ khu vực nhằm đối phó với các thách thức an ninh mạng, chia sẻ các thực tiễn hữu hiệu nhất và đưa ra một kế hoạch chung, cũng như thiết lập một nền tảng chung cho sự phát triển các quy tắc tự nguyện để dẫn dắt hành vi của đất nước./.