Khả năng ASEAN đạt được tiếng nói chung về an ninh mạng?

Nhiều quốc gia đang vật lộn với các cuộc tấn công mạng, tin tức giả mạo hay các chiến dịch xuyên tạc thông tin có thể thay đổi các cơ chế pháp lý của họ theo quan điểm 'không gian mạng là mối đe dọa.'
Khả năng ASEAN đạt được tiếng nói chung về an ninh mạng? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: republicanmatters.com)

Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vẫn hành động một cách chậm chạp, đặc biệt trong các vấn đề nhạy cảm đề cập đến chủ quyền và an ninh.

Trong các vấn đề này, nhịp độ của việc hình thành đồng thuận phải điều chỉnh cho phù hợp với mức chấp nhận được của thành viên “do dự” nhất.

Theo bài viết trên trang mạng aspistrategist.org.au ngày 22/5, không có lĩnh vực nào thể hiện rõ điều này hơn vấn đề không gian mạng.

Các nước thành viên tiếp cận vấn đề không gian mạng từ nhiều góc độ khác nhau như viễn thông, an ninh nội bộ, công nghệ thông tin và thực thi pháp luật.

Tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về An ninh Mạng (AMCC) được tổ chức ở Singapore trong Tuần lễ An ninh Mạng Quốc tế, các nước thành viên cử các bộ trưởng hay quan chức cấp cao tới từ các bộ ngành khác nhau như an ninh mạng (Singapore), thông tin liên lạc (Malaysia, Lào, Brunei), kinh tế số (Thái Lan), an toàn thông tin (Việt Nam) và bộ nội vụ (Campuchia).

Bởi vấn đề này được nhìn qua các lăng kính khác nhau nên người ta rất dễ đánh giá thấp những gì ASEAN đạt được trong lĩnh vực an ninh mạng trong năm 2018.

Tháng 4/2018, tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về hợp tác an ninh mạng đã chỉ định các cơ quan liên quan xác định danh sách cụ thể các quy tắc thực tiễn và không ràng buộc về hành vi của các quốc gia.

Hội nghị bộ trưởng diễn ra vào tháng 9/2018 sau đó đã đạt được đồng thuận rằng luật quốc tế, các quy tắc về hành vi quốc gia và các biện pháp xây dựng lòng tin là rất cần thiết cho sự ổn định của an ninh mạng.

Hiện tại, có thể thấy rõ rằng AMCC sẽ là diễn đàn chính của ASEAN để thảo luận về các vấn đề an ninh mạng.

Các diễn đàn khác như Phiên họp về An ninh và Sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và Cuộc họp Nhóm công tác của các chuyên gia về An ninh mạng sẽ là các diễn đàn quan trọng để kết nối các đối tác bên ngoài.

Tuy nhiên, bên ngoài khuôn khổ các hoạt động chính trị trong đối thoại an ninh mạng và những bộ phận cấu thành sự hợp tác về kỹ thuật, hiện vẫn còn nhiều câu hỏi nhức nhối về cách thức các nước thành viên ASEAN nhìn nhận tương lai kỷ nguyên số của họ ra sao.

Nhiều quốc gia đang vật lộn với các cuộc tấn công mạng, tin tức giả mạo hay các chiến dịch xuyên tạc thông tin có thể thay đổi các cơ chế pháp lý của họ theo quan điểm: “Không gian mạng là một mối đe dọa."

Việc nhìn nhận không gian mạng theo 3 lăng kính - cơ hội, bảo vệ dữ liệu và kiểm soát thông tin - là nguồn cơn gây ra căng thẳng kéo dài. Các quốc gia cần kiểm soát những căng thẳng này và đánh giá, hành động theo cách cân bằng.

Nếu không đạt được cân bằng, các quốc gia có thể biến mình trở thành nước độc tài hơn nhằm bảo vệ chính họ.

Những căng thẳng này sẽ tác động đến quan điểm của các nước khi thảo luận về các quy tắc quốc tế trong không gian mạng.

Các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí về tầm quan trọng của các quy tắc của Nhóm chuyên gia chính phủ của Liên hợp quốc (GGE), nhưng một tầm nhìn khác “cạnh tranh” đã xuất hiện, đó là: một nhóm làm việc không hạn chế thành viên, được Nga bảo trợ, cũng đang làm việc trong Liên hợp quốc để phát triển các quy tắc trong không gian mạng.

Nhóm làm việc này cuối cùng có thể thu hút nhiều quốc gia hơn GGE của Liên hợp quốc đơn giản bởi nó dường như lưu tâm nhiều hơn tới các quan ngại của các quốc gia về an toàn thông tin và tin tức giả mạo.

Hiện không có câu trả lời dễ dàng cho vấn đề này, và các cuộc thảo luận trong các tháng tới về các tiến trình của Liên hợp quốc sẽ cho thấy nhiều giải pháp.

Điều quan trọng ở đây là các cơ chế kênh 2 trong lĩnh vực không gian mạng, vốn không được chú ý trong ASEAN, cũng đóng vai trò quan trọng.

Các cuộc đối thoại không chính thức có thể cho phép các nước thành viên chia sẻ các thách thức và ý tưởng một cách cởi mở và giúp xây dựng những hiểu biết chung.

Các nước thành viên hiện nay rõ ràng muốn có một tiếng nói chung của ASEAN trong các cuộc thảo luận về quy tắc an ninh mạng quốc tế.

Tuy nhiên, tiếng nói đó gắn kết đến đâu còn phụ thuộc vào 3 vấn đề: đánh giá đúng về mối đe dọa an ninh mạng trong nước mà không bị ảnh hưởng bởi chúng, nhận thức đa chiều về các chương trình nghị sự và ảnh hưởng của thế lực lớn trong cuộc tranh luận về các quy tắc an ninh mạng quốc tế, và nỗ lực nhạy bén để nhận thấy các ý tưởng tốt nhất trong lĩnh vực này, cho dù chúng tới từ bên trong hay bên ngoài ASEAN./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục