Hậu trưng cầu ý dân ở Nga: Ông Putin cần những ý tưởng mới

Không thể phủ nhận là khoảng 21% cử tri đi bỏ phiếu đã phản đối những đề xuất thay đổi, điều này cho thấy lòng tin vào ông Putin không phải là tâm lý diễn ra của tuyệt đại đa số.
Hậu trưng cầu ý dân ở Nga: Ông Putin cần những ý tưởng mới ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì một cuộc họp trực tuyến ở ngoại ô Moskva. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng forbes.com, kết quả cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp mới tại Nga là điều có thể đoán trước, song con đường tương lai của Tổng thống Vladimir Putin lại là thứ khó đoán hơn nhiều.

Ông Putin đắc cử và trở thành Tổng thống Nga lần đầu năm 2000.

Theo TASS, những thay đổi trong Hiến pháp Nga - được sự đồng thuận của 78% số cử tri đi bỏ phiếu - chính thức có hiệu lực từ ngày 4/7, với sửa đổi đáng chú ý nhất là để ngỏ cánh cửa giúp ông Putin tái tranh cử thêm 2 lần nữa sau khi nhiệm kỳ hiện tại kết thúc vào năm 2024. Về mặt lý thuyết, ông Putin có thể cầm quyền tới tận 2036.

[Tổng thống Putin: Sửa đổi Hiến pháp là đúng đắn đối với nước Nga]

Cách tiếp cận của nhà lãnh đạo Nga trong giai đoạn cuối của cuộc bỏ phiếu là một sự rõ ràng đến lo ngại.

Hối thúc những người ủng hộ đi bỏ phiếu, song ông Putin không hề trực tiếp đề cập tới thực tế ông có thể sẽ là nhà lãnh đạo cầm quyền tới 4 thập kỷ.

Thay vào đó, lời kêu gọi của ông lại thể hiện việc đi bỏ phiếu là “trách nhiệm” của những người yêu nước, “là thể hiện sự tôn trọng với lịch sử, văn hóa, tiếng mẹ đẻ, truyền thống, nhìn nhận với những thành quả và kỳ tích mà tổ tiên đã tạo ra,” như phát biểu tại lễ khánh thành tượng đài ghi công các lực lượng Xôviết trong Chiến tranh thế giới thứ hai hôm 30/6.

Hiến pháp đã được thông qua, và giờ Điện Kremlin có thể “thở phào” về chiến thắng mà họ xem là đầy thuyết phục. Song tất cả sau cùng chỉ xoay quanh chính Putin.

Hậu trưng cầu ý dân ở Nga: Ông Putin cần những ý tưởng mới ảnh 2Cử tri Nga tại một điểm bỏ phiếu trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp ở Moskva. (Ảnh: THX/TTXVN)

Người phát ngôn của Tổng thống Putin Dmitry Peskov nói: “Rõ ràng đây là một chiến thắng. Cuộc bỏ phiếu thực tế là một cuộc trưng cầu ý dân đầy thắng lợi về lòng tin đối với (tổng thống) Putin.”

Và giờ ông Putin có thể làm gì với lòng tin ấy? Thành quả với tư cách một chính trị gia của ông Putin có thể xác định trên hai trụ cột chính là chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện và những chiến dịch quân sự được dư luận trong nước ủng hộ, đặc biệt là việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014. Tuy nhiên, những gì đưa ông Putin tới vị thế hiện nay khó có thể lặp lại.

Chất lượng cuộc sống của người dân Nga vẫn giữ nguyên, và thực tế là đang tụt dốc trong vài năm trở lại đây.

Một trong những nguyên nhân thúc đẩy chất lượng cuộc sống của xã hội Nga là giá dầu tăng trong giai đoạn đầu thế kỷ 21.

Với những gì đang diễn ra, việc giá dầu sớm quay trở lại thời hoàng kim là điều khó khả thi. Hơn thế nữa, cũng giống như nhiều quốc gia khác, hệ quả của dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) đã giáng những đòn nặng nề vào nền kinh tế Nga.

Theo tin từ Reuters hôm 25/6, ngân hàng trung ương Nga dự kiến GDP năm nay sẽ sụt giảm từ 4-6%, trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán con số này là 6,6%.

Thành quả quân sự tại Crimea được đông đảo người dân Nga ủng hộ, song đổi lại là sự đối đầu gay gắt với phương Tây và việc các nước này trả đũa với một loạt đòn trừng phạt.

Trên thực tế, rất nhiều người ủng hộ ông Putin, chứ chưa nói đến những người phản đối, đều cho rằng kết quả cuộc trưng cầu ý dân là thứ đã được lên kịch bản từ trước.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận là khoảng 21% cử tri đi bỏ phiếu đã phản đối những đề xuất thay đổi. Điều này cho thấy lòng tin vào ông Putin không phải là tâm lý diễn ra của tuyệt đại đa số.

Bối cảnh này đáng chú ý bởi Nga sẽ đối diện với những thách thức không hề nhỏ trong những năm sắp tới, và các cử tri Nga cần phải được thuyết phục rằng Putin đủ năng lực để lãnh đạo nước Nga chống lại những thách thức ấy.

Câu hỏi đặt ra là liệu ông Putin có một kế hoạch cụ thể hay không? Liệu có thực tế không nếu quốc gia rộng lớn nhất thế giới được dẫn dắt bởi một nhà lãnh đạo trong suốt hơn 3 thập kỷ, cho tới khi ông đã hơn 80 tuổi?

Ông Putin có thể đang tự tạo ra cho mình những lựa chọn, đặc biệt là lựa chọn từ nhiệm khi ông muốn và để ngỏ những đồn đoán cho dư luận.

Cùng chung màu sắc của tinh thần trong những lời kêu gọi về lòng yêu nước trước cuộc bỏ phiếu, nhiệm kỳ tổng thống của Putin chủ yếu là để tạo dựng nhận thức về một quá khứ hào hùng của nước Nga, một quá khứ đang truyền cảm hứng cho chính trường ngày nay.

Những nhận thức của ông Putin về lịch sử nhiều khả năng đồng nghĩa với việc ông hiểu rằng mình cần những ý tưởng mới để duy trì sự ủng hộ của người dân, cho dù cuộc trưng cầu ý dân vừa qua “thắng lợi vang dội” đến thế nào./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục