Hé lộ mục đích Ấn Độ phô diễn năng lực chương trình hạt nhân

Các cuộc thử nghiệm SRBM cho phép Ấn Độ phát triển và thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm xa từ tàu ngầm dưới biển, do đó có thể tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang ở Ấn Độ Dương.
Hé lộ mục đích Ấn Độ phô diễn năng lực chương trình hạt nhân ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: defenceaviationpost.com)

Theo trang mạng eurasiareview.com, cuối tháng 8/2018, theo các quan chức Quốc phòng Ấn Độ cũng như các nguồn tin truyền thông địa phương và quốc tế, lần đầu tiên 3 tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) đã được phóng đi từ tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Ấn Độ mang tên INS Arihant.

Trước đó, Ấn Độ chưa bao giờ phô diễn năng lực thực sự của INS Arihant.

Báo chí Ấn Độ khẳng định cả 3 tên lửa K-15 tầm ngắn này đều bay theo quỹ đạo định sẵn với độ chính xác cao và được phóng từ vị trí sâu 20 mét so với mực nước biển, cách bờ biển Vizag khoảng 10km và đạt xác suất sai số gần như bằng 0.

K-15 là một loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn và được thử nghiệm lần gần nhất là vào tháng 11/2015. Tên lửa đạn đạo này hoạt động bằng nhiên liệu lỏng 2 giai đoạn, có tải trọng khoảng 1.000 kg và nặng gần 10 tấn.

Tên lửa K-15 được bắn từ tàu INS Arihant, vốn luôn được bảo vệ nghiêm ngặt và được coi là “bảo bối” của Ấn Độ. INS Arihant cũng là 1 trong 5 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo (SSBN) đáng gờm của quốc gia này.

Thông tin về Arihant đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông Ấn Độ và quốc tế khi cuộc khủng hoảng Doklam diễn ra. Vào thời điểm đó, truyền thông cho biết SSBN đã ngừng hoạt động bởi cửa hầm chứa hàng trong con tàu bị mở khiến nó bị thiệt hại nghiêm trọng.

Trước đó, các phương tiện truyền thông Ấn Độ cũng đưa tin INS Arihant được chế tạo dựa trên thiết kế của Nga với lò phản ứng hạt nhân được bịt kín trong một lớp vỏ đôi cùng hệ thống cảnh báo tiên tiến, do đó trong điều kiện bình thường, nước không thể tràn vào tàu.

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là nếu nước tràn vào SSBN bởi cửa hầm bị mở, tại sao hệ thống cảnh báo lại không hoạt động và tại sao các thủy thủ đoàn và lực lượng hải quân Ấn Độ không được đào tạo đúng cách để xử lý các tình huống trên các tàu ngầm được trang bị hạt nhân.


[Ấn Độ phóng thử thành công tên lửa tự chế tạo Prithvi-II]

Những sự cố như vậy làm dấy lên một cảnh báo nghiêm trọng bởi chúng thách thức các cơ chế và biện pháp đảm bảo an toàn và an ninh của các vật liệu và cơ sở hạt nhân. Ấn Độ từng khẳng định rằng việc chỉ huy và kiểm soát các vũ khí và kho vũ khí hạt nhân của họ luôn có sẵn trong giới lãnh đạo dân sự.

Tuy nhiên, sự cố này cho thấy thực tế lại hoàn toàn khác biệt. Ngay cả khi giới lãnh đạo dân sự hỏi rằng liệu Arihant có được sử dụng để chống lại Trung Quốc hay không, họ sẽ nhận được câu trả lời rằng năng lực đánh trả lần hai (còn gọi là năng lực phản công hạt nhân) sẽ không thực hiện được bởi INS Arihant đã ngừng hoạt động.

Điều này minh chứng quan điểm cho rằng chương trình hạt nhân Ấn Độ nằm dưới sự kiểm soát của giới lãnh đạo dân sự là hoàn toàn trái ngược với thực tế.

Các quốc gia phải áp dụng cách tiếp cận thực tế trong việc chỉ huy và kiểm soát các tài sản hạt nhân trên biển bởi rất khó để thực hiện việc kiểm soát dân sự hoàn toàn trên các tàu ngầm hạt nhân vốn phải chìm sâu dưới biển trong ít nhất 6 tháng.

Do đó, mặc dù việc kiểm soát dân sự các tài sản hạt nhân nghe có vẻ đầy hứa hẹn, song lại không hề thực tế và hữu dụng khi nhắc đến việc xử lý các vũ khí và tài sản trên biển. Vì vậy, dựa vào những lý do trên, sự rõ ràng trong hệ thống chỉ huy và kiểm soát sẽ đảm bảo sự ổn định trên một vũ đài mà những tính toán sai lầm và mơ hồ là điều rất dễ xảy ra.

Theo một khía cạnh quan trọng khác, việc này không chỉ là cuộc thử nghiệm của riêng K-15, mà là một chuỗi các phản ứng hành động cổ điển, vốn đang trở thành một “hội chứng” ở Nam Á.

Ấn Độ là quốc gia lớn, với nền kinh tế phát triển để chi tiêu cho quốc phòng, chủ yếu là cho việc phát triển công nghệ, vốn luôn bị Pakistan chống đối để duy trì trạng thái cân bằng răn đe.

Tuy nhiên, lần này Ấn Độ đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm ngắn của mình từ một tàu ngầm đang ở dưới mặt biển sau khi Pakistan thông báo đã phóng thử thành công tên lửa hành trình Babur-3 (SLCM) phóng từ tàu ngầm theo quỹ đạo nằm ngang.

Việc Ấn Độ thử nghiệm SRBM không được giới truyền thông và các nhà phân tích coi là mối đe dọa bởi chúng không thể vươn tới Islamabad với phạm vi 700-750km.

Tuy nhiên, mục đích của các loại vũ khí hạt nhân là để khủng bố, và những tên lửa đạn đạo tầm cỡ nhỏ như thế này hoàn toàn có khả năng khủng bố ở Ấn Độ Dương.

Hơn nữa, các cuộc thử nghiệm này cho phép Ấn Độ phát triển và thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm xa từ tàu ngầm dưới biển, do đó có thể tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang ở Ấn Độ Dương.

Trong tất cả những thất bại của việc hạt nhân hóa Ấn Độ Dương đến Nam Á, đây là thời điểm mà cả hai bên nhận ra rằng sẽ không có hồi kết trong cuộc chạy đua vũ trang. Hết công nghệ này đến công nghệ khác xuất hiện rồi hết vũ đài này đến vũ đài khác được quân sự hóa và hạt nhân hóa để tạo ra sự thống trị leo thang, sẽ khiến cơ hội tạo lập sự ổn định ở Nam Á tan biến.

Thiết lập vũ trang theo nhu cầu an ninh là quyền của mỗi quốc gia, song mục tiêu lớn hơn phải là mang lại sự ổn định cho khu vực.

Đây là lúc để hai quốc gia phải nhận ra rằng không phải mọi lĩnh vực đều nên được biến thành xung đột và cần tránh để cuộc đua vũ trang lan rộng đến các khu vực khác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục