"Hiến pháp cần bảo đảm cho Chính phủ đủ quyền lực"

Các chuyên gia pháp luật cho rằng Hiến pháp cần có sự phân công quyền lực cho Chính phủ, bảo đảm cho Chính phủ có đủ quyền lực.
Hiến pháp cần phân công quyền lực cho Chính phủ, bảo đảm cho Chính phủ có đủ quyền lực và có đủ cơ chế đồng bộ để vận hành thống nhất, thông suốt quyền lực, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt trong quản lý điều hành các mặt đời sống kinh tế-xã hội của đất nước.

Đây là một trong những nội dung được các đại biểu tham dự Hội thảo về chế định Chính phủ và chính quyền địa phương trong Hiến pháp, phục vụ sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 do Bộ Nội vụ phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 8/3, tại Hà Nội.

Cùng với nội dung trên, tại hội thảo, những vấn đề liên quan đến vị trí, tính chất, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; quyền kiểm soát của Quốc hội đối với Chính phủ, quyền kiểm soát của Chính phủ đối với Quốc hội các cơ quan tư pháp theo các nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền… cũng được các đại biểu dự hội thảo là những chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý đề cập

Giáo sư, tiến sỹ Phạm Hồng Thái (Đại học Quốc gia Hà Nội) đề nghị: Hiến pháp chỉ nên quy định Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, không cần phải quy định “là cơ quan chấp hành của Quốc hội.”

Ý kiến này nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu. Các đại biểu lý giải Chính phủ đã thực hiện quyền hành pháp thì đương nhiên phải chấp hành Hiến pháp, chấp hành Nghị quyết của Quốc hội.

Ông Phạm Đức Bảo, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, Chính phủ hành pháp mới là Chính phủ mạnh, đảm bảo an ninh quốc gia, Chính phủ thực hiện quyền hành pháp đương nhiên phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội, cần tăng cường vai trò của Chính phủ, Thủ tướng là người lãnh đạo, điều hành Chính phủ thực hiện quyền hành pháp và phải chịu trách nhiệm cá nhân trước Quốc hội.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến để thúc đẩy cải cách cơ bản tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, có hiệu lực, hiệu quả; phân công, phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương với nhau để phát huy vai trò tự quản, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của địa phương…

Theo tiến sỹ Dương Quang Tung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước (Bộ Nội vụ), quy định về chính quyền địa phương trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 rất sơ sài, Ủy ban Nhân dân do Hội đồng Nhân dân bầu ở những nơi có tổ chức Hội đồng Nhân dân, vậy, những nơi không tổ chức Hội đồng Nhân dân thì Ủy ban Nhân dân được thành lập như thế nào thì Hiến pháp không quy định.

Cũng theo tiến sỹ Dương Quang Tung, quận và phường không phải là đơn vị hành chính lãnh thổ mà chỉ là đơn vị hành chính nội bộ của đô thị, vì vậy không tổ chức Hội đồng Nhân dân cấp quận, phường là hợp lý. Trong Hiến pháp sửa đổi nên nghiên cứu xem những loại hình đơn vị hành chính nào thì cần tổ chức Hội đồng Nhân dân. Để làm được điều này, Bộ Nội vụ cần khẩn trương tổng kết thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường để sửa đổi Hiến pháp. Hiến pháp cũng cần ghi rõ không tổ chức Hội đồng Nhân dân ở các đơn vị hành chính quận, huyện, phường, xã.

Đa số các đại biểu đều thống nhất không nên quy định Hội đồng Nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, thực chất đây chỉ là cơ quan đại biểu cho nhân dân, quyết định những vấn đề của địa phương.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chế định Chính phủ và chính quyền địa phương là chế định rất quan trọng trong tổ chức bộ máy nhà nước. Cần làm rõ chế định này trong Hiến pháp để xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân.

Dự thảo quy định Chính phủ là cơ quan hành pháp, cơ quan hành chính cao nhất là hoàn toàn chính xác để đề ra chính sách, thực hiện chính sách và quản lý. Chính phủ là nội các, các Bộ là bộ máy Chính phủ, là thiết chế độc lập của nền hành chính và có quyền hạn riêng.

Dự và phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, quy định về chính quyền địa phương phải thiết kế lại để thể hiện được tính tự chủ, độc lập. Đây là vấn đề lớn và còn có nhiều ý kiến khác nhau. Mô hình chính quyền địa phương không thể thực hiện đồng nhất trong cả nước, phải nghiên cứu xây dựng mô hình chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn.

Mô hình chính quyền đô thị phải khác với ở nông thôn nên các cấp hành chính và tổ chức chính quyền cũng phải khác nhau. Nhiều ý kiến ủng hộ chính quyền đô thị chỉ nên 2 cấp. Cũng có ý kiến cho rằng ở đâu có Ủy ban Nhân dân, ủy ban hành chính thì ở đó phải có cơ quan để giám sát, phải có Hội đồng Nhân dân. Tuy nhiên, vấn đề thiết kế ở cấp nào có cấp chính quyền đầy đủ thì cần phải bàn thêm.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, Chính phủ và chính quyền địa phương là một trong những chế định hết sức quan trọng của Hiến pháp năm 1992 sửa đổi, do đó cần xác định đầy đủ và đúng đắn yêu cầu cần phải thể chế hóa ở tầm hiến định các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng về Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước cũng như hiến định hóa các kết quả tổng kết luận và thực tiễn về tổ chức hoạt động của Chính phủ và chính quyền địa phương, góp phần tích cực vào việc xây dựng một bản Hiến pháp có chất lượng tốt, phù hợp với tình hình mới, thúc đẩy cải cách chính trị đồng bộ với cải cách kinh tế./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục