Nhận lời mời của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31 (ASEAN-31) và các Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 (với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) lần thứ 20, Cấp cao ASEAN+1 (với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Canada, Liên minh châu Âu, Liên hợp quốc) và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 12 tại Manila, Philippines, từ ngày 12-14/11.
Đây là sự kiện quan trọng nhất trong năm của ASEAN với sự tham gia của lãnh đạo 10 nước ASEAN và các đối tác, đều là các nước lớn, tổ chức khu vực và quốc tế quan trọng.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 9 và Hội nghị các nhà lãnh đạo Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Vì một ASEAN tự cường
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-31 và các Hội nghị Cấp cao giữa ASEAN với các đối tác lần này, lãnh đạo các nước ASEAN sẽ tập trung thảo luận về phương hướng và biện pháp tăng cường liên kết, hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, từ đó truyền đi thông điệp về một ASEAN “hòa bình, ổn định và tự cường," “một khu vực rộng mở với bên ngoài trong cộng đồng các quốc gia toàn cầu." Các nhà lãnh đạo cũng sẽ trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Hội nghị Cấp cao ASEAN-31 và các Hội nghị Cấp cao liên quan, với sự tham dự của lãnh đạo 10 nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu và Tổng Thư ký Liên hợp quốc, sẽ được tổ chức tại thủ đô Manila, Philippines. Ngay trước đó, các cuộc họp trù bị cấp Bộ trưởng (Ngoại giao, Kinh tế và Hội đồng Điều phối), các quan chức cao cấp ASEAN (SOM), quan chức cao cấp kinh tế ASEAN và Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực các nước tại ASEAN sẽ diễn ra.
Cùng với Chương trình Gala đặc biệt kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN, Lễ chuyển giao chức Chủ tịch ASEAN cho Singapore, sẽ diễn ra 10 Hội nghị chính thức gồm: Cấp cao ASEAN-31, Cấp cao ASEAN+3, Cấp cao Đông Á, Cấp cao ASEAN+1 với 7 đối tác (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu). Bên cạnh đó là Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 9, Hội nghị các nhà lãnh đạo Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Phiên ăn trưa làm việc với Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN và Phiên đối thoại giữa lãnh đạo ASEAN+3 với Hội đồng Kinh doanh Đông Á.
Nội dung các hội nghị, phiên họp tập trung thảo luận về phương hướng, biện pháp tăng cường liên kết ASEAN, nhất là trong việc thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các Kế hoạch triển khai trên từng trụ cột Cộng đồng; củng cố đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN. Hội nghị đẩy mạnh hợp tác giữa ASEAN và các Đối tác, trong đó bao gồm kiểm điểm việc thực hiện các Kế hoạch Hành động đã thông qua, trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực đang nổi lên, từ đó xác định các bước đi tiếp theo trong hợp tác ứng phó với các vấn đề quan tâm chung.
Theo dự kiến, 55 văn kiện sẽ được ký, thông qua tại các Hội nghị, trong đó các nhà lãnh đạo sẽ ký 1 văn kiện, thông qua 25 văn kiện và ghi nhận 20 văn kiện khác; Philippines sẽ ban hành 9 Tuyên bố Chủ tịch các Hội nghị Cấp cao.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, xu hướng bảo hộ gia tăng và các thách thức xuất hiện ngày một nhiều, khác với những lần trước, Hội nghị lần này sẽ nhấn mạnh việc củng cố, tăng cường đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN. Hội nghị góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; thu hẹp khoảng cách phát triển; nâng cao năng lực của Cộng đồng ASEAN để có một ASEAN tự cường, phục vụ lợi ích người dân các nước thành viên và bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.
Hiện thực hóa các cam kết
Tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực và khả quan, thể hiện ở tiến độ thực thi cam kết trong Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các Kế hoạch tổng thể đi kèm.
Về chính trị-an ninh, 223/290 dòng hành động (chiếm khoảng 77%), trong cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN đang được triển khai.
Về kinh tế, ASEAN giữ được mức tăng trưởng ổn định 5% năm 2017, thương mại nội khối đạt 23,1%, hiện dần triển khai lần lượt 118 lĩnh vực ưu tiên được cụ thể hóa từ Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
[Hội thảo về ASEAN và Biển Đông trước thềm Hội nghị cấp cao ASEAN 31]
Về văn hóa-xã hội, 14/15 cơ quan chuyên ngành đã xây dựng được chương trình, kế hoạch hành động, trong đó có chương trình, kế hoạch đã được các Bộ trưởng liên quan thông qua và bắt đầu triển khai. Các trụ cột đều đã xây dựng được cơ chế giám sát và đánh giá gắn với kế hoạch công tác của từng lĩnh vực chuyên ngành, góp phần đảm bảo hiệu quả và tiến độ thực thi cam kết.
Bên cạnh đó, Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN 2025 và Kế hoạch công tác giai đoạn III sáng kiến hội nhập ASEAN cũng được thực thi bài bản. Các nước đã xác định được các dự án ưu tiên và các đầu mối của từng quốc gia triển khai các lĩnh vực cụ thể.
Đáng chú ý, ASEAN đã xác định được danh mục các vấn đề liên ngành, liên trụ cột cần được thúc đẩy bao gồm phòng chống mua bán người, an ninh và hợp tác biển, chống khủng bố, an ninh mạng, gìn giữ và kiến tạo hòa bình hậu xung đột, nhân quyền, phòng chống ma túy, tội phạm môi trường, chống rửa tiền và tội phạm kinh tế xuyên quốc gia, an ninh và an toàn hạt nhân, quản lý biên giới…
Tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN gần đây dành nhiều ưu tiên cho các đối tượng như phụ nữ, trẻ em, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, thúc đẩy các chương trình hợp tác phát triển kinh tế, thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng cường kết nối, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội. Tầm nhìn ASEAN 2025 được gắn kết với Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững cũng cho thấy ASEAN đang nỗ lực vươn ra bên ngoài, phấn đấu trở thành thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế.
Hiệu quả bộ máy tổ chức và lề lối làm việc của ASEAN cũng đã được cải thiện từng bước, nhiều vấn đề liên ngành, liên trụ cột đang được xử lý tích cực. Vừa qua, các nước đã nhất trí áp dụng một số cải tiến hình thức tổ chức họp với các đối tác và nhận được sự hoan nghênh của tất cả các bên.
Năm 2017 ASEAN tổ chức trọng thị các hoạt động kỷ niệm 50 năm thành lập, góp phần nâng cao nhận thức người dân về ASEAN, cũng như hình ảnh và uy tín trên trường quốc tế.
Phát huy vai trò trung tâm của ASEAN
Quan hệ của ASEAN với các đối tác đối thoại tiếp tục được đẩy mạnh. ASEAN hiện có quan hệ đối thoại với 11 đối tác, trong đó có 7 đối tác chiến lược và 88 đối tác cử Đại sứ tại ASEAN. Nhiều nước, tổ chức mong muốn thiết lập quan hệ với ASEAN và ngày càng nhiều nước ngoài khu vực đề nghị tham gia Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á. Các đối tác coi trọng và tăng cường hợp tác nhiều mặt với ASEAN, hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN. Năm 2017 diễn ra nhiều sự kiện quan trọng trong quan hệ với các đối tác như kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN với Hoa Kỳ, Canada, Liên minh châu Âu, 25 quan hệ ASEAN-Ấn Độ và 20 năm hợp tác ASEAN+3.
Dịp này, tại các Hội nghị Cấp cao ASEAN với các đối tác, các nhà lãnh đạo sẽ kiểm điểm và đề ra phương hướng, biện pháp tăng cường hợp tác trong thời gian tới, trao đổi về một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, cũng như bàn về vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 9 ngày 13/11/2017, được tổ chức bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN-31 tại Manila, Philippines. Dự kiến, Hội nghị sẽ đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch hành động triển khai Chiến lược Tokyo 2015 và thảo luận các phương hướng hợp tác Mekong-Nhật Bản thời gian tới.
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này và các Hội nghị Cấp cao liên quan nhằm góp phần thắt chặt đoàn kết ASEAN, phát huy vai trò trung tâm của Hiệp hội, mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, kiến tạo môi trường thuận lợi cho phát triển bền vững của từng nước và của cả khu vực; đồng thời nâng cao hình ảnh Việt Nam đổi mới, tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm vào các nội dung hợp tác khu vực, từ đó bảo vệ hiệu quả các lợi ích của Việt Nam./.