Hiệp định RCEP có thể vẫn còn những đề xuất gây tranh cãi

Theo tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo, Ấn Độ là nước duy nhất không tham gia RCEP do có “những vấn đề nổi bật quan trọng,” nhưng sẽ tiếp tục đàm phán với hy vọng có thể tham gia sau.
Hiệp định RCEP có thể vẫn còn những đề xuất gây tranh cãi ảnh 1Ngày 1/11/2019, Hội nghị Cấp bộ trưởng về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị IMPACT Muangthong Thani, tỉnh Nontha Buri, Thái Lan. (Ảnh: Lý Hữu Kiên/TTXVN)

Trang The Conversation (Australia) mới đây đăng bài viết của chuyên gia Pat Ranald thuộc Đại học Sydney cho rằng văn bản Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có thể vẫn còn những nội dung gây tranh cãi và cần được công bố cũng như đánh giá độc lập trước khi ký kết chính thức.

Thủ tướng Australia Scott Morrison và các nhà lãnh đạo khác trong khu vực đã tuyên bố vào cuối ngày 4/11 rằng 15 trong 16 quốc gia đã hoàn tất văn bản và chuẩn bị ký RCEP vào đầu năm 2020.

RCEP sẽ có sự tham gia của Australia, New Zealand, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và 10 quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), bao gồm 2,5 tỷ người.

[Trung Quốc: RCEP có thể mang lại nhiều cơ hội cho xuất khẩu của Ấn Độ]

Theo tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo, Ấn Độ là nước duy nhất không tham gia do có “những vấn đề nổi bật quan trọng,” nhưng sẽ tiếp tục đàm phán với hy vọng có thể tham gia sau.

Sự vắng mặt của Ấn Độ làm giảm đáng kể khả năng tiếp cận thị trường mà Australia hy vọng sẽ đạt được, nhất là đối với lĩnh vực nông nghiệp, do Australia đã có thỏa thuận thương mại tự do với ASEAN và các hiệp định thương mại tự do song phương với tất cả các nước khác.

Các cuộc đàm phán RCEP đã kéo dài kể từ năm 2012.

Quá trình đàm phán tập trung nhiều vào sự phản đối của Ấn Độ do nước này không muốn mức thuế quan thấp hơn và mong muốn đạt được một thỏa thuận thương mại lớn có thể ứng phó với chủ nghĩa bảo hộ “nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Donald Trump.

Tuy nhiên, những nội dung bất đồng lớn không được công bố là về các vấn đề phi thuế quan đã ảnh hưởng đến quyết định của Ấn Độ trong việc không tham gia RCEP và có thể hạn chế sự quản lý của các chính phủ trong tương lai do tăng thêm quyền cho các tập đoàn toàn cầu.

Những bất đồng này phản ảnh mức độ phát triển kinh tế khác nhau của các nước tham gia đàm phán RCEP.

Nội dung của RCEP hiện vẫn được giữ bí mật và văn bản cuối cùng sẽ không được tiết lộ cho đến khi hiệp định này được ký kết.

Sự bí mật này có lợi cho các tập đoàn có liên quan, do có nhiều nguồn lực nhất để vận động hành lang chính phủ.

Các tài liệu bị rò rỉ cho thấy các nước công nghiệp hóa, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia, đã thúc đẩy các quy tắc phi thuế quan có lợi cho các tập đoàn lớn, tương tự như các Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gây tranh cãi.

Trong khi đó, các nước đang phát triển lại phản đối những quy tắc phi thuế quan này do lo ngại sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế và người dân của họ cũng như mong muốn duy trì không gian pháp lý cho việc phát triển các ngành công nghiệp trong nước.

Các đề xuất gây tranh cãi bao gồm quyền của nhà đầu tư nước ngoài được kiện các chính phủ ra các tòa án quốc tế mà không phải qua các tòa án trong nước nếu họ cho rằng những thay đổi luật pháp hoặc chính sách gây tổn hại tới hoạt động đầu tư của họ.

Những điều khoản này có tên là Giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước (ISDS).

Cho đến nay đã có tới 983 vụ kiện ISDS, hầu hết là chống lại các nước đang phát triển, với số lượng ngày càng tăng trong các lĩnh vực y tế, môi trường, quyền đất đai bản địa, luật lao động và các quy định về lợi ích công cộng khác ở cả các nước đang phát triển và công nghiệp hóa.

Ấn Độ và Indonesia đã ban hành các chính sách loại trừ hoặc hạn chế quyền của nhà đầu tư trong các thỏa thuận mới.

ISDS được cho là đã được loại bỏ khỏi văn bản RCEP, nhưng hiện vẫn chưa thể biết chắc rằng ISDS sẽ bị loại bỏ trong văn bản được công bố sau khi ký.

Tuy nhiên, nội dung gây tranh cãi nhiều hơn là về đề xuất trao cho các công ty dược phẩm độc quyền sáng chế thuốc chữa bệnh trong khoảng thời gian dài hơn so với 20 năm như hiện tại. Điều này sẽ làm trì hoãn sự phổ biến của các loại thuốc giá rẻ và làm tăng chi phí đối với các nước đang phát triển.

Ngoài ra còn có các đề xuất mở rộng việc áp dụng các quy tắc về bảo hộ sáng chế hạt giống và cây trồng đang được áp dụng ở các nước công nghiệp sang các nước đang phát triển.

Điều này sẽ gây khó khăn hơn cho hàng triệu nông dân quy mô nhỏ ở các nước đang phát triển trong việc tiết kiệm và trao đổi hạt giống với nhau như họ đã làm trong nhiều thế kỷ qua.

Những người nông dân này không có khả năng sử dụng hệ thống pháp lý để có được quyền sáng chế cũng như không đủ tiền để mua hạt giống được cấp bằng sáng chế.

RCEP còn bao gồm một chương thương mại điện tử yêu cầu tự do hóa các luồng dữ liệu xuyên biên giới cho các tập đoàn toàn cầu như Google và Facebook. Điều này gây khó khăn cho các chính phủ trong công tác quản lý.

Chẳng hạn, nếu quy tắc thương mại cấm đặt ra yêu cầu lưu trữ dữ liệu trong nước, thì luật về quyền riêng tư và các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng khác không thể áp dụng cho dữ liệu được lưu trữ ở các quốc gia khác.

Ủy ban cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng ở Australia gần đây đã có khuyến nghị chính phủ cần quản lý chặt hơn các tập đoàn này do những lo ngại về các vụ vi phạm quyền riêng tư của người tiêu dùng, lạm dụng dữ liệu trong các cuộc bầu cử, và trốn thuế.

Các nước đang phát triển cũng lo ngại các quy tắc có lợi cho các công ty công nghệ toàn cầu sẽ giúp các công ty này tăng cường vị trí thống trị thị trường và ảnh hưởng tới sự phát triển ngành công nghệ thông tin ở địa phương.

Do có những lo ngại nêu trên, điều cần thiết là văn bản Hiệp định RCEP cần được công bố trước khi được ký kết và cần có sự đánh giá độc lập về chi phí và lợi ích của nó đối với các nước tham gia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục