Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu tổ chức Đại hội khóa V

Ngày 26/11, Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (Vatap) đã tổ chức Đại hội lần thứ V nhằm thảo luận và thông qua báo cáo tổng kết nhiệm kỳ, phương hướng trong giai đoạn tới.
Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu tổ chức Đại hội khóa V ảnh 1Ông Nguyễn Đăng Sinh (đứng giữa) được bầu làm Chủ tịch Vatap khóa V và các Phó Chủ tịch khóa V. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Chiều 26/11, tại Hà Nội, Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (Vatap) đã tổ chức Đại hội lần thứ V, nhiệm kỳ (2020-2025) với sự tham dự của 100 đại biểu, hội viên.

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Vatap khóa 4 cho biết, ngay từ khi thành lập, Hiệp hội đã xác định "Chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ" là một nhiệm vụ hết sức mới mẻ, khó khăn. Do đó, Vatap phải đi sâu vào từng ngành hàng, nhóm hàng và phù hợp với yêu cầu của từng hội viên, đồng thời thực hiện nhiệm vụ nâng cao nhận thức của cộng đồng trong lĩnh vực này.

[Chống hàng giả: Phải hành động thiết thực, nói đi đôi với làm]

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Hiệp hội đã cung cấp hàng trăm thông tin cho cơ quan chức năng, góp phần vào công tác đấu tranh, ngăn chặn hàng giả và bảo vệ thương hiệu.

Vatap cũng tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị và tập huấn cho các hội viên các kiến thức chuyên môn, đóng góp hiệu quả trong việc xây dựng bảo vệ thương hiệu.

"Những hoạt động của Hiệp hội đã góp phần thực hiện các Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết 41/CP về việc đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới," lãnh đạo Vatap nói.

Tại đại hội, ông Tạ Tấn, Phó Vụ trưởng Vụ tổ chức Phi Chính phủ (Bộ Nội vụ) nhấn mạnh, xã hội càng phát triển thì lĩnh vực chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu càng được chú trọng tăng cường.

Khẳng định vai trò của Hiệp hội, ông Tấn đề nghị Vatap nỗ lực đoàn kết, nâng cao hiệu quả và hoạt động của Hiệp hội, khắc phục những tồn tại hạn chế để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

"Tinh thần đại hội là tổ chức đánh giá, chỉ ra khuyết điểm để khắc phục, trên cơ sở đề ra phương hướng làm tốt hơn trong nhiệm kỳ tới cũng như Hiệp hội có thể đạt được nhiều thành tích trong công tác chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu," ông Tạ Tấn nhấn mạnh.

Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu tổ chức Đại hội khóa V ảnh 2Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ Thương hiệu khóa IV không tham gia vào Ban thường vụ khóa tới. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Đại hội đã bầu ông Nguyễn Đăng Sinh làm Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu khóa V; 8 thành viên vào chức vụ Phó Chủ tịch Hiệp hội và bà Trần Hương Giang được bầu giữ chức Tổng thư ký Vatap.

Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu hiện có 9 đơn vị trực thuộc, có tư cách pháp nhân độc lập và 3 cơ quan đại diện (tại Thành phố Hồ Chí Minh, miền Tây Nam Bộ và tỉnh Bắc Ninh.)./.

Điều lệ của Vatap đưa ra lấy ý kiến đại hội lần thứ V đã bổ sung thêm 7 điểm mới so với điều lệ cũ. Cụ thể:

1. Đối tượng hội viên là công dân Việt Nam tán thành tôn chỉ, điều lệ Hiệp hội, tự nguyện gia nhập Hiệp hội thay vì chỉ là các pháp nhân đại diện cho các tổ chức kinh tế tại Việt Nam như trước đây.

2. Bổ sung thêm các nhiệm vụ và quyền hạn của Hiệp hội phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.

3. Điều lệ mới bổ sung thêm một số quy định về nguyên tắc lấy ý kiến các thành viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụđể nâng cao vai trò lãnh đạo giữa hai kỳ Đại hội thông qua văn bản hoặc thư điện tử.

4. Áp dụng quy định mới của Nghị đinh 45 về biểu quyết nhân sự. Bổ sung hình thức biểu quyết giơ tay đối với công tác bầu cử nhân sự Ban Chấp hành và các nội dung quan trọng khác.

5. Bổ sung tiêu chuẩn của Tổng thư ký là người nằm trong Ban Thường vụ và là người được Chủ tịch ủy quyền chủ tài khoản của Hiệp hội.

6. Thay vì quy định rõ ràng 3 thành viên Ban Kiểm tra, Điều lệ mới không quy định cụ thể số lượng thành viên Ban Kiểm tra mà số lượng do Đại hội quyết định để đảm bảo số lượng thành viên Ban Kiểm tra có thể tăng, giảm phù hợp với quy mô của Hiệp hội từng thời kỳ.

7. Về thủ tục hội viên ra khỏi Hiệp hội, điều lệ mới bổ sung quy định: Hội viên sẽ khai trừ với lý do không đóng hội phí từ 6 (sáu) tháng, kể từ khi Hiệp hội thông báo nhắc lần hai, trừ trường hợp có lý do được Ban Thường vụ chấp thuận.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục