Hiệp ước INF đa phương liệu có phải là 'kịch bản tối ưu'?

Nghị sỹ đảng Dân chủ-Xã hội Đức Knut Fleckenstein, thành viên Nghị viện châu Âu, cho rằng thay vì hủy bỏ INF, Mỹ và Nga nên "thu hút các nước thứ ba tham gia."
Hiệp ước INF đa phương liệu có phải là 'kịch bản tối ưu'? ảnh 1Một buổi giới thiệu tên lửa hành trình 9M729 mới của Bộ Quốc phòng Nga, thàng 1/2019. (Nguồn: Getty Images)

Theo tờ Izvestia, các nhà ngoại giao cấp cao Nga nhận định Moskva sẽ hoan nghênh một thỏa thuận mới về kiểm soát tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung có sự tham gia của tất cả các nước sở hữu loại vũ khí này.

Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) nhận định một thỏa thuận như vậy sẽ là kịch bản tối ưu cho tình thế hiện nay, cho dù khả năng Mỹ nhất trí không lớn.

Sau khi tuyên bố rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xoa dịu cộng đồng quốc tế rằng tới đây sẽ có một thỏa thuận tổng thể mới để thay thế và nhất định Trung Quốc sẽ là một bên đặt bút ký vào thỏa thuận đó.

Theo nguồn tin ngoại giao Nga, Washington đã luôn thuyết phục Moskva rằng việc chấm dứt INF không phải nhằm chống lại Nga mà mục đích chính là để đưa Trung Quốc tham gia vào hiệp ước kiểm soát vũ khí.

Tuy nhiên, nguồn tin trên nhận định nếu chỉ nhắm mục tiêu vào Trung Quốc thì Mỹ không cần phải chấm dứt thỏa thuận cũ. Hơn thế nữa, khi nói về một thỏa thuận quy mô toàn cầu, rõ ràng Mỹ không ám chỉ đến các đồng minh châu Âu.

Nga có thể đồng ý với một thỏa thuận như vậy song với điều kiện tất cả các nước sở hữu tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm ngắn phải tham gia.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào Mỹ thuyết phục được, chẳng hạn như Pháp, ký thỏa thuận này?

Một nguồn tin khác nói thêm, ngoài Triều Tiên, Iran và Trung Quốc - những nước mà Mỹ muốn "buộc phải phá hủy vũ khí hạt nhân" - còn có Ấn Độ, Pakistan và Israel. Rất khó có khả năng Israel từ bỏ kho tên lửa đạn đạo của họ.

Ngoài ra, cũng theo nguồn tin này, Moskva sẽ không tiếp tục đưa ra sáng kiến, vì như Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố tất cả các đề xuất đều đã nằm trên bàn của Mỹ.

[Nga cáo buộc Mỹ thêu dệt chứng cứ về việc vi phạm hiệp ước INF]

Ủy viên Ủy ban Quốc phòng Hội đồng Liên bang Nga Frants Klintsevych cho rằng một thỏa thuận về INF "toàn cầu" sẽ là điều đúng đắn.

Ông nhấn mạnh đến thời điểm hiện tại nhiều quốc gia đã có bước tiến vượt bậc trong chế tạo các loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung, vì vậy nếu chỉ có Nga tuân thủ INF trong khi các quốc gia khác lại không bị hạn chế thì tiềm lực quốc phòng của Nga sẽ giảm.

Richard Weitz, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính trị-quân sự tại Đại học Hudson (Mỹ), cho rằng khó có thể ký kết một thỏa thuận INF toàn cầu cấm tất cả các nước sở hữu tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình tầm trung và tầm ngắn (tầm bắn từ 500-5.500 km).

Theo ông, chỉ có thể cấm các tên lửa đó mang đầu đạn hạt nhân, hoặc ký kết các thỏa thuận INF mang tầm "châu lục." Điều quan trọng nhất, theo ông Weitz là cần phải có một cơ chế thanh tra cho thỏa thuận mới để kiểm soát hành động của các quốc gia liên quan.

Trong khi đó, nghị sỹ đảng Dân chủ-Xã hội Đức Knut Fleckenstein, thành viên Nghị viện châu Âu, cho rằng thay vì hủy bỏ INF, Mỹ và Nga nên "thu hút các nước thứ ba tham gia."

Theo ông, Liên minh châu Âu (EU) có thể nỗ lực khởi động đàm phán ba bên với Nga và Mỹ về thỏa thuận này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục