Hình ảnh những chú ngựa trong đời sống con người

Con ngựa dũng mãnh và bướng bỉnh không phải dễ dàng ai cũng cầm được cương, nhưng sau khi đã bị chinh phục thì nó dễ bảo và trung thành với chủ.

Con ngựa đã gắn bó với con người hàng nghìn năm nay, do đó có nhiều ca dao, tục ngữ, khẩu ngữ Việt Nam có tên con ngựa như "chạy nhanh như ngựa," "ngựa non háu đá," "thẳng như ruột ngựa," "da ngựa bọc xương," "kiếp ngựa trâu," "đời người như bóng câu qua cửa sổ ." Lý ngựa ô và nhiều bài dân ca khác đã đề cập tới con ngựa. 

Tương tự, trong ngôn ngữ các dân tộc khác trên thế giới, con ngựa cũng "góp mặt" vào nhiều câu ca dao, tục ngữ.

Thống kê trong đại từ điển tiếng Nga cho thấy có 180 câu tục ngữ nói về con ngựa, số câu nói về con bò nhiều thứ hai, sau đến lượt con chó, tiếp theo nữa là con lợn, rồi đến mèo, con dê và con cừu. 

Ngựa vừa thân thiết, vừa phục vụ, trung thành với con người. Con ngựa dũng mãnh và bướng bỉnh không phải dễ dàng ai cũng cầm được cương, nhưng sau khi đã bị chinh phục thì nó dễ bảo và trung thành với chủ. 

Trong lịch sử ai mà không biết con ngựa xích thố (màu lông đỏ) của Vân Trường, con ngựa trắng của Xê da (dũng tướng cổ La Mã), ngựa ô (ngựa đen) của Xcăngđecbéc (anh hùng dân tộc Albani), của Hạng Vũ, con ngựa ô của quận Hẻo (Nguyễn Hữu Cầu), lãnh tụ nông dân khởi nghĩa chống chúa Trịnh. Khi quận Hẻo, quan Vân Trường, Hạng Vũ chết, con ngựa thương nhớ chủ, bỏ ăn và cũng chết theo. 

Người xưa kể lại rằng trong chiến đấu, ngựa đã thể hiện tinh thần dũng cảm, dù bị thương đến mấy vẫn chồm lên cắn vào ngựa kẻ địch. Và khi trận đánh kết thúc, trên bãi chiến trường, có những con ngựa quyến luyến ngửi xác chủ và ủ rũ nằm bên cạnh người nuôi nó cho đến chết.

Ngựa dùng trong chiến đấu 

Ở phương Đông khoảng 2.000 năm trước Công nguyên, ngựa được dùng để kéo chiến xa. Vào khoảng 1.000 năm trước Công nguyên, ngựa đã được dùng làm ngựa chiến và kỵ binh là đơn vị chủ yếu của quân đội.

Giống ngựa Arập ra đời vào khoảng thế kỷ thứ VI. Có điều cần lưu ý, các hiệp sĩ châu Âu rất ưa chiến đấu trên lưng ngựa đực, còn các kỵ binh Arập lại rất thích ngựa cái vì ngựa cái phi êm hơn, không hay đòi ăn, dễ phục kích kẻ địch vì chúng không hay hí.

Giống ngựa Mông Cổ bắt nguồn từ những đồng cỏ phương Bắc với vóc dáng có phần nhỏ hơn, chân ngắn hơn, bờm và đuôi rậm hơn, song chúng ít đòi hỏi chăm sóc, chúng chịu đựng tốt, có thể sống quanh năm bằng cỏ mọc trên thảo nguyên, đặc biệt thích nghi tốt với khí hậu cận nhiệt đới. Có lẽ một phần vì thế mà trong suốt thế kỷ XIII, vó ngựa của quân xâm lược Mông Cổ đã tung hoành khắp nơi.

Ngựa trong thông tin liên lạc

Phi nước kiệu là kiểu vận chuyển rất nhanh của ngựa. Kỷ lục chạy nhanh nhất của ngựa ở cự ly 150m là 66km/h. Giống ngựa Arập có thể chạy liên tục 250km suốt ngày đêm trong những điều kiện khó khăn. Do đó, từ lâu nhiều nước trên thế giới người ta dùng ngựa trạm để đưa thư, công văn và thông tin liên lạc.

Ngựa trong săn bắn

Đi săn bằng ngựa là hình thức phổ biến trước đây ở nhiều nước trên thế giới. Với đàn chó săn đánh hơi lùng sục buộc con mồi phải xuất đầu lộ diện. Ngồi trên mình ngựa đi săn có thể rượt đuổi thú rừng. Tiếng tù và lành lạnh, tiếng reo hò cùng với tiếng vó ngựa dồn dập, đoàn người đi săn trở về thắng lợi với những gánh muông thú nặng trĩu trên vai.

Ngựa dùng làm sức kéo và cày ruộng

Giống ngựa kéo phương Tây được nhiều nước ở châu Âu thuần hóa để chở hàng và cày ruộng. Giống ngựa kéo phương Tây có vóc dáng nặng nề, đầu dài và rộng, cổ to, bờm và đuôi rậm, chân tương đối ngắn, có móng guốc rộng. 

Trong thời Trung Cổ ở phương Tây, các hiệp sĩ với giáp trụ và binh khí nặng nề đã sử dụng ngựa này làm ngựa chiến. Sau này khi áo giáp không được dùng nữa, người ta thay chúng bằng các giống ngựa chạy nhanh trong chiến đấu. Vô địch về sức kéo là giống ngựa kéo Liên Xô (cũ). Nó có thể kéo một đoàn xe trọng tải 1.6274kg. Ở nhiều nước châu Âu, ngựa được dùng để kéo cày có hiệu quả.

Ngựa dùng làm xiếc

Hình ảnh những chú ngựa trong đời sống con người ảnh 1Màn biểu diễn thăng bằng trên lưng ngựa tại rạp xiếc Rambo ở Mumbai, Ấn Độ. (Nguồn: Reuters)

Ngựa được huấn luyện trong đoàn xiếc. Nó biết theo dõi, hiểu và thực hiện được từng động tác. Tất nhiên nó phải được huấn luyện công phu. Khi biểu diễn, nó có thể nhảy theo điệu nhạc, đi bằng hai chân sau, khéo léo đi trên một quả cầu lớn mà không ngã, chảy qua vòng lửa. Sự tinh khôn của ngựa ở đây thể hiện ở chỗ ngựa chịu tập và tập thành công một tiết mục hoàn toàn không phù hợp với thói quen của chúng./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục