Hình dung Việt Nam ở thế kỷ 17 qua những tài liệu tiếng Anh đầu tiên

Cuốn sách hứa hẹn sẽ là một nguồn tư liệu thú vị cho người đọc yêu lịch sử tham khảo, tìm hiểu về Việt Nam thế kỷ 17 qua con mắt của những người châu Âu.
''Việt Nam thế kỷ XVII: Những góc nhìn từ bên ngoài'' sẽ mang đến cái nhìn của một nhà truyền giáo Đàng Trong và một doanh nhân Đàng Ngoài. (Ảnh: Omega+)
''Việt Nam thế kỷ XVII: Những góc nhìn từ bên ngoài'' sẽ mang đến cái nhìn của một nhà truyền giáo Đàng Trong và một doanh nhân Đàng Ngoài. (Ảnh: Omega+)

Nhà xuất bản Đà Nẵng và Omega+ vừa phát hành tác phẩm "Việt Nam thế kỷ XVII: Những góc nhìn từ bên ngoài" gồm 624 trang do Olga Dror và K. W. Taylor giới thiệu và chú giải.

Ấn phẩm này sẽ mang đến thông tin từ những bộ tư liệu tiếng Anh đầu tiên, bao gồm hai góc nhìn từ phía một nhà truyền giáo người Italy tại Đàng Trong và một doanh nhân lai châu Âu - Việt Nam sinh sống và làm việc ở Đàng Ngoài.

Theo thông tin từ đơn vị phát hành, Cha xứ Christoforo Borri, một tu sĩ Dòng Tên người Italy, đã ghi chú lại những gì ông thấy trong thời gian ông sống và truyền giáo tại Đàng Trong của Việt Nam từ năm 1612 đến 1622.

[Phát triển văn hóa đọc: Tìm cơ hội giữa thách thức của dịch COVID-19]

Sau khi Christoforo Borri về nước, bộ tư liệu của ông được xuất bản năm 1631 tại Roma bằng tiếng Italy. Khi các học giả dịch tư liệu của ông sang tiếng Anh, nó trở thành tư liệu tiếng tiếng Anh đầu tiên về Việt Nam ở thế kỷ 17.

Tương tự, Samuel Baron sinh ở Hà Nội trong khoảng cuối những năm 1630, đầu những năm 1640, có cha là người châu Âu còn mẹ là người Việt, ông là thương nhân ở Đàng Ngoài từ năm 1670 đến 1680. Những ghi chép của ông bằng tiếng Anh cũng trở thành một trong những bộ tư liệu đầu tiên bằng tiếng Anh về Việt Nam thế kỷ 17.

Năm nay, ấn phẩm ra mắt có tên "Việt Nam thế kỷ XVII: Những góc nhìn từ bên ngoài" sẽ tổng hợp tư liệu của hai người một tác phẩm lớn.

Trong cuốn sách, Olga Dror và K. W. Taylor đã dày công tìm hiểu và có những chú giải kỹ lưỡng nhằm giúp độc giả người Việt hiện đại dễ tiếp cận với bối cảnh lịch sử thời xưa hơn, ví dụ như nguồn gốc của các tên gọi “Cochinchina” và “Tonkin” cùng nhiều biến thể khác.

Hình dung Việt Nam ở thế kỷ 17 qua những tài liệu tiếng Anh đầu tiên ảnh 1(Ảnh: Omega+)

Đọc cuốn sách này, độc giả dễ thấy: Trong con mắt của hai người châu Âu thế kỷ 17, Đàng Trong - Đàng Ngoài là hai quốc gia độc lập với thiết chế nhà nước, kinh tế, xã hội và văn hóa riêng biệt. Tuy nhiên, họ hiểu rằng hai quốc gia này có mối liên hệ với nhau về mặt ngôn ngữ, ký ức lịch sử được lưu giữ bởi tầng lớp trí thức và tinh thần trung quân.

Đây hứa hẹn sẽ là một nguồn tư liệu thú vị cho người đọc yêu lịch sử tham khảo, tìm hiểu về Việt Nam thế kỷ 17 qua con mắt của những người châu Âu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục