Hình thành các sản phẩm đặc thù để phát triển du lịch vùng Tây Bắc

Nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, trong đó các tỉnh tập trung khảo sát đánh giá du lịch cộng đồng, là định hướng phát triển du lịch vùng Tây Bắc.
Hình thành các sản phẩm đặc thù để phát triển du lịch vùng Tây Bắc ảnh 1Khách du lịch nước ngoài trải nghiệm du lịch cộng đồng khi đến Sa Pa. (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)

Tiếp tục nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch mới, đặc trưng của khu vực và các tỉnh thành viên, trong đó các tỉnh tập trung khảo sát đánh giá du lịch cộng đồng, rà soát từ quy hoạch, cơ chế chính sách, mục tiêu đến các giải pháp xây dựng sản phẩm nhằm xây dựng các điểm du lịch cộng đồng hiệu quả là định hướng phát triển du lịch vùng Tây Bắc.

Đây là định hướng được thông qua tại Hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng năm 2014, tổ chức tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La ngày 30/1.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc, mặc dù du lịch các tỉnh trong khu vực phát triển khả quan nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, hạ tầng du lịch còn kém, thiếu cơ sở vật chất chuyên ngành phục vụ du lịch như các khu vui chơi giải trí, mua sắm; nhân lực ngành du lịch còn thiếu và yếu, phần lớn chưa qua đào tạo sâu về chuyên môn nghiệp vụ.

Về loại hình du lịch cộng đồng, chưa quy hoạch một cách khoa học, bài bản; nhiều điểm ở Tây Bắc sản phẩm tương tự nhau; chưa xây dựng được các khu du lịch sinh thái.

Để du lịch 8 tỉnh Tây Bắc phát triển tương xứng với tiềm năng, các đại biểu tham dự hội nghị đã thống nhất thành lập Quỹ Phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng để hình thành nguồn kinh phí chung, ổn định để triển khai các hoạt động hợp tác phát triển du lịch của khu; tiếp tục các bước triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án Năm du lịch quốc gia 2017; xây dựng Đề án Phát triển du lịch 8 tỉnh giai đoạn 2015-2020 định hướng đến năm 2030.

Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến quảng bá, tổ chức các sự kiện thu hút khách du lịch như Hội chợ Du lịch Tây Bắc lần thứ 2 tại tỉnh Phú Thọ; tham dự Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM năm 2015 tại Hà Nội; tăng cường hợp tác, liên kết trao đổi thông tin và quảng bá du lịch giữa các trung tâm xúc tiến du lịch, các hiệp hội du lịch trong khối 8 tỉnh; đẩy mạnh hơn nữa hoạt động của trang thông tin điện tử quảng bá du lịch 8 tỉnh.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc, năm 2014, nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành Du lịch Việt Nam đến từ những tác động không thuận của tình hình kinh tế thế giới, dịch bệnh, thiên tai.

Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo của Ban chỉ đạo Nhà nước về Du lịch, Ban chỉ đạo Tây Bắc, sự hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật của Ban quản lý Dự án EU, du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng đã thu được những kết quả nhất định, thể hiện cụ thể trong các hoạt động hợp tác trên 4 lĩnh vực: cơ chế chính sách, phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá và phát triển nguồn nhân lực.

Cụ thể, trong năm 2014 lượng khách du lịch đến tham quan 8 tỉnh đạt hơn 14 triệu lượt người, tổng doanh thu du lịch xã hội đạt 7.825 tỷ đồng (tăng 22,5% so với năm 2013). Cơ sở vật chất chuyên ngành du lịch dịch vụ bước đầu phát triển.

Tính đến tháng 12/2014 trên địa bàn 8 tỉnh đã có hơn 1.600 cơ sở lưu trú, tăng 12% so với năm 2013. Bên cạnh đó, một số tuyến, điểm du lịch mới được khảo sát và đưa vào khai thác đã tạo ra những sản phẩm du lịch mới 4 tuyến trong Vườn Quốc gia Hoàng Liên của huyện Sa Pa - tỉnh Lào Cai; tuyến du lịch tâm linh dọc sông Hồng của các tỉnh Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai…

Chương trình hợp tác phát triển du lịch Tây Bắc mở rộng giai đoạn 2010-2015 được lãnh đạo Ủy ban nhân dân 8 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Phú Thọ, Hòa Bình, Lai Châu, Điện Biên và Hà Giang ký kết vào tháng 6/2010 với các hoạt động như: hợp tác xây dựng cơ chế chính sách quản lý phát triển du lịch; hợp tác phát triển sản phẩm du lịch; hợp tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến và hợp tác phát triển nguồn nhân lực du lịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục