Thông báo từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, từ ngày 4/1/2016, HNX chính thức áp dụng cách tính mới cho chỉ số UPCoM Index.
Theo đó, chỉ số UPCoM Index được tính toán theo giá trị vốn hóa thị trường có điều chỉnh tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng của tất cả các cổ phiếu đăng ký giao dịch trên HNX (lớn hơn hoặc bằng 5%). Chỉ số UPCoM Index mới không áp dụng tỷ lệ vốn hoá tối đa. Trước đây, UPCoM Index được tính toán theo phương pháp so sánh tổng giá trị thị trường hiện tại với thời điểm gốc (ngày 24/6/2009).
Như vậy, chỉ số UPCoM Index mới có công thức tính toán tương đồng với chỉ số HNX Index hiện tại.
Thay vì tính gộp tất cả những cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường, cách tính mới cho chỉ số UPCoM Index chỉ sử dụng những cổ phiếu sẵn sàng giao dịch trên thị trường, loại bỏ được những cổ phiếu không được phép giao dịch (như cổ phiếu do Nhà nước nắm giữ, cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng... ) nhằm phản ánh chính xác hơn tính thanh khoản và tình hình giao dịch của các cổ phiếu.
Theo đại diện HNX, chỉ số mới này được chạy thử nghiệm từ ngày 24/6. Sau hơn nửa năm vận hành ổn định, phản ánh sát diễn biến thị trường, HNX chính thức áp dụng cách tính mới cho chỉ số UPCoM Index từ ngày 4/1/2016.
“Sau khi áp dụng, định kỳ hàng quý, HNX sẽ thực hiện việc xem xét điều chỉnh đối với cổ phiếu tính chỉ số theo kỳ điều chỉnh tỷ lệ tự do chuyển nhượng và các điều chỉnh đặc biệt đối với chỉ số. Các thay đổi khi điều chỉnh định kỳ và điều chỉnh đặc biệt đối với cổ phiếu trong rổ tính chỉ số này sẽ được công bố theo quy định tại Bộ Nguyên tắc Xây dựng và Quản lý chỉ số giá cổ phiếu của HNX,” đại diện HNX cho biết./.
Cổ phiếu không tự do chuyển nhượng bao gồm:
- Phần hạn chế chuyển nhượng theo quy định của pháp luật: cổ đông sáng lập trong thời gian hạn chế chuyển nhượng, các cam kết không chuyển nhượng khi niêm yết, các hạn chế khác theo quy định của pháp luật;
- Phần nắm giữ của các cổ đông nội bộ và người có liên quan nếu sở hữu từ 5% trở lên;
- Phần nắm giữ của các cổ đông lớn;
- Phần hạn chế chuyển nhượng do các cam kết tự nguyện: các cổ đông chiến lược có cam kết không chuyển nhượng, các cam kết tự nguyện khác;
- Phần nắm giữ của cổ đông nhà nước với tư cách là cổ đông lớn;
- Phần hạn chế chuyển nhượng theo điều kiện phát hành: ví dụ chương trình phát hành cho cán bộ công nhân viên, phát hành riêng lẻ dưới 1 năm...
- Phần cổ phiếu liên quan đến thương hiệu....
- Các phần cổ phiếu hạn chế chuyển nhượng khác theo thống kê của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam.