Hòa Bình: Khẩn trương khắc phục hậu quả các điểm sạt lở xung yếu

Tại xã Quý Hòa, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình), tuyến đường liên xã xóm Thung đã bị sạt lở đoạn Dốc Gió, với độ dài khoảng 35m, sạt trượt taluy dương, ước tính khoảng hàng trăm m3 đất đá.

Nước trên đồi núi vẫn đổ xuống, tiềm ẩn nguy cơ sạt trượt đất đá. (Ảnh: Thanh Hải/TTXVN)
Nước trên đồi núi vẫn đổ xuống, tiềm ẩn nguy cơ sạt trượt đất đá. (Ảnh: Thanh Hải/TTXVN)

Vừa qua, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình liên tiếp xảy ra mưa lớn, gây thiệt hại nhiều tài sản, hoa mầu của người dân, nhiều tuyến đường giao thông bị đứt gẫy, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng.

Đặc biệt tại xã Quý Hòa, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình), tuyến đường liên xã xóm Thung đã bị sạt lở đoạn Dốc Gió, với độ dài khoảng 35m, sạt trượt taluy dương, ước tính khoảng hàng trăm m3 đất đá.

Hiện cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đang khẩn trương khắc phục hậu quả, đảm bảo an toàn giao thông cho người dân đi lại.

Tại các điểm sạt lở trên tuyến đường đi xóm Thung, khối lượng đất đá sạt lở nằm ngổn ngang, các tấm bê tông ngầm đã bị sạt lở xuống taluy âm, nước từ trên đồi núi cao vẫn chảy xuống mạnh, dẫn đến tình trạng trượt sạt nguy cơ cao xảy ra.

Đây là tuyến đường “độc đạo” dẫn lên các xóm Thung 1, Thung 2, nơi đây có hơn 200 hộ dân sinh sống với hàng trăm lượt qua lại mỗi ngày.

Ông Bùi Văn Trường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Quý Hòa (Lạc Sơn) cho biết, ngay sau khi thiên tai xảy ra, xã tổ chức lực lượng và người dân hỗ trợ tìm kiếm, trục vớt tài sản của bà con.

Đồng thời, xã huy động nhân lực và máy móc khắc phục tạm thời bằng cách đóng ghép ván cho xe máy qua đoạn Dốc Gió, huy động máy xúc san gạt đoạn đứt đường để người dân qua lại, vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm và học sinh đi học.

Xã cắm biển và căng dây cảnh báo, cấm các phương tiện cơ giới qua lại, phân công lực lượng ứng trực hướng dẫn, không cho người dân qua lại ngầm, đoạn sạt lở nghiêm trọng. Mưa lũ đã làm hư hỏng nhiều tài sản, hoa màu, thiệt hại ước tính hơn 1 tỷ đồng.

Hiện nay, cấp ủy, chính quyền địa phương đang tập trung thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” để đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả thiên tai gây ra.

Hiện, các đơn vị chức năng và chính quyền địa phương đã khai thông đất đá, mở lối đi trên tuyến đường xóm Thung, nhưng do địa hình hiểm trở nên các phương tiện lưu thông rất khó khăn.

Chị Bùi Thị Quê, người dân xóm Thung 1 chia sẻ: “Mỗi lần di chuyển qua điểm sạt lở, chúng tôi hết sức lo sợ, vì đường đất bùn ngập lốp xe, trơn trượt, lầy lội. Chị em phụ nữ tay lái yếu nên khi đi qua khu vực này rất nguy hiểm bởi một bên là núi, một bên là vực sâu. Chúng tôi mong muốn chính quyền các cấp quan tâm, sớm khắc phục để người dân qua lại được an toàn."

Theo thống kê của Ủy ban Nhân dân xã Quý Hòa, tính đến nay mưa lũ đã làm nhiều điểm cống bị sập, trượt hoàn toàn đoạn đường đi xóm Thung dài khoảng 40m. Hệ thống đường giao thông liên thôn ở các xóm bị xói mòn, nguy cơ sập hỏng đường tại các xóm Thung, Thêu, Cáo khoảng 120m.

Bên cạnh đó, đường điện xóm Thung, Thêu nguy cơ sạt đổ một số cột đường truyền 35. Mưa lũ đã cuốn trôi nhiều công trình thủy lợi nhỏ tại xóm Cáo và vùi lấp khoảng 70m mương, đất đá vùi lấp khoảng 20m3. Mưa lớn cũng gây ngập úng lúa và hoa màu tại các xóm Dọi và Thêu, diện tích thiệt hại hơn 0,65 ha. Lũ làm cuốn trôi và chết một số gia súc, gia cầm tại xóm Dọi ước thiệt hại khoảng 38 triệu đồng...

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lạc Sơn, ông Bùi Văn Thắng cho biết, Ủy ban Nhân dân huyện đã phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra, báo cáo tình hình thực tế để Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo phương án khắc phục.

Đồng thời, Ủy ban Nhân dân huyện chỉ đạo địa phương tiếp tục huy động nhân lực, máy móc túc trực tại địa bàn để kịp thời xử lý các điểm sạt lở, đảm bảo giao thông thông suốt. Tuy nhiên dự báo trong thời gian tới còn tiếp tục xảy ra các đợt mưa lớn nên công tác khắc phục hậu quả thiên tai còn gặp rất nhiều khó khăn.

Theo dự báo, thời gian tới trên địa bàn tỉnh Hòa Bình tiếp tục xảy ra các đợt mưa, bão, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị các đơn vị, lực lượng chức năng thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”; nhanh chóng di dời người, tài sản đến nơi ở an toàn khi có bão lũ xảy ra.

Các đơn vị, địa phương huy động nhân lực, máy móc khắc phục tạm thời các tuyến đường giao thông bị tê liệt; cắm biển và giăng dây cảnh báo, cấm các phương tiện cơ giới qua lại; phân công lực lượng ứng trực để cảnh báo, hướng dẫn và không cho người dân qua lại các ngầm, đoạn sạt lở nghiêm trọng nguy cơ nguy hiểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục