Với địa hình cảnh quan và hệ sinh thái tự nhiên đa dạng, phù hợp xu thế nghỉ dưỡng cao cấp, homestay cùng tâm lý tìm kiếm những vị trí thích hợp cho một cuộc sống xanh mà vẫn gần Thủ đô Hà Nội thì Hòa Bình là một trong lựa chọn hàng đầu của nhà đầu tư.
Nắm bắt được tâm lý đó, dân môi giới “ngầm” lẫn các sàn giao dịch ảo trên các trang mạng xã hội đã tung nhiều chiêu thổi giá khiến giá đất nơi đây ngày càng tăng mạnh, nhất là các khu vực Lương Sơn, Kỳ Sơn, Kim Bôi, thành phố Hòa Bình đang biến động từng ngày.
Điều này gây ra nhiều hệ lụy và trực tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội, an ninh trật tự, tác động tiêu cực đến quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng và quá trình thu hút đầu tư của địa phương.
Bài 1: Nhiễu loạn thị trường
Từ giữa năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xảy ra tình trạng "sốt đất" ở khá nhiều địa phương, đặc biệt "nóng" nhất tại huyện Lương Sơn. Nhiều người từ khắp nơi đổ về săn lùng để mua bằng được cho mình một lô đất.
Đáng chú ý, nếu so với cùng thời điểm này năm trước, giá trị các lô đất tăng lên chóng mặt, thậm chí gấp vài chục lần. Lợi nhuận tăng cao khiến nhiều người dân bỏ cả công việc thường ngày và trở thành các "cò đất, môi giới" để kiếm lời.
Điểm nóng "sốt đất"
Trước tình trạng này, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Ngô Văn Tuấn đã có công văn chỉ đạo Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình xác minh, làm rõ.
Qua đó, ông Trần Hải Lâm, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình lý giải việc sốt đất tại Hòa Bình không chỉ ở các khu vực có quy hoạch hoặc dự án mà còn xảy ra ở những vị trí không nằm trong quy hoạch, đất thổ cư, đất rừng...
Theo báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình, tại các huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn, Kim Bôi do vị trí nằm sát với Thủ đô Hà Nội nên xảy ra hiện tượng "sốt đất", thổi giá đất gây nhiễu loạn thị trường bất động sản.
Giới đầu cơ bất động sản lợi dụng các yếu tố quy hoạch dự án, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, khu công nghiệp để "làm loạn" thông tin thu lợi bất chính...
Trong vai người tìm mua đất, phóng viên theo chân một "cò đất" và được đưa đến xem mảnh đất của ông Hoàng Văn Én.
Mảnh đất của ông Én rộng gần 1.000 m2 với cây cỏ dại mọc um tùm, án ngữ ngay cạnh lối vào dự án hạ tầng khu đô thị sinh thái Legacy Hill Hòa Bình do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên bất động sản Hasky Hòa Bình (thuộc Công ty cổ phần đầu tư Tập đoàn An Thịnh) làm chủ đầu tư tại địa phận thôn Giếng Xạ, xã Cư Yên, huyện Lương Sơn.
[Siết chặt việc phân lô bán nền có giúp hạ nhiệt cơn “sốt” đất?]
Ông Én chia sẻ, mảnh đất này của ông có sổ hồng chính chủ là đất vườn và giá trị sử dụng đến năm 2057.
Ban đầu gia đình đòi bồi thường 2 tỷ đồng, nhưng do chưa thống nhất được giá cả với công ty nên mảnh đất này vẫn bỏ không. Đến thời điểm này, gia đình ông Én đã tự nâng mức giá đền bù lên 4 tỷ đồng.
Thấy sự hiện diện của chúng tôi, một nhân viên trực đón khách đến tìm hiểu về dự án Legacy Hill Hòa Bình đi ra và khẳng định mảnh đất của ông Én không thể bán được vì nằm trong vùng quy hoạch của dự án và đang trong quá trình giải quyết đền bù; đồng thời, khuyên tôi không nên mua bởi chắc chắn gặp rủi ro.
Tuy nhiên, ông Én trấn an: “Đất có sổ hồng chính chủ đàng hoàng chú không phải lo đâu”! Nói rồi ông chỉ tay về phía trong khu vực dự án và cho tôi xem vị trí hai hộ gia đình nữa vẫn chưa di dời do chưa thống nhất được mức đền bù giải phóng mặt bằng với chủ đầu tư.
Trao đổi với ông Đinh Đức Thân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Cư Yên, được biết hiện nay trên địa bàn xã có một số dự án đã và đang thực hiện đầu tư xây dựng. Đó là dự án Khu đô thị sinh thái và dịch vụ Cửu Long nằm trên địa bàn giáp ranh 3 xã Tân Vinh, Nhuận Trạch và Cư Yên, diện tích thực hiện trên địa bàn xã Cư Yên trên 16ha.
Dự án Khu công nghiệp Nhuận Trạch được phê duyệt với tỷ lệ 1/500 từ năm 2011 nằm trên địa phận 2 xã Nhuận Trạch và Cư Yên, diện tích thực hiện trên địa bàn xã Cư Yên trên 81ha và đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện...
"Các dự án cứ chuẩn bị được quy hoạch là giá đất lại được thổi lên cao phi mã", ông Thân cho biết.
Lý giải về tình trạng "sốt đất" hiện nay trên địa bàn, anh Quang Đăng, nhân viên công ty chuyên môi giới bất động cho hay, giá đất tại huyện Lương Sơn và Kim Bôi đang có sự biến động lớn.
Từ đầu năm đến nay, các điểm như Khu vực hồ Đồng Chanh, Cư Yên, Nhuận Trạch, Tân Vinh (Lương Sơn) đất "nóng" lên từng ngày.
Đặc biệt, trước thông tin về các dự án lớn đã được phê duyệt như khu công nghiệp Nhuận Trạch chuẩn bị xây dựng và các dự án xây dựng các khu sinh thái nghỉ dưỡng như Legacy Hill, Panorama Hill (Tân Vinh), Beverly Hills (Cư Yên), Diamond Island Villas Resort... giá đất tại đây đã tăng gấp 3-4 lần.
Đua nhau làm "cò đất"
Giá đất tăng cao đã hình thành khá nhiều công ty môi giới. Người dân cũng tranh thủ và đua nhau làm "cò đất," nhất là cánh xe ôm.
Anh Trần Văn Thơ làm nghề xe ôm tại huyện Lương Sơn cho hay, thời gian này anh không chạy xe đưa đón khách mà chỉ chờ khách có nhu cầu mua đất thì "tư vấn" và dẫn họ đến các mảnh đất người dân muốn bán cũng có thể kiếm từ 500.000-1.000.000 đồng/ngày.
Bà Hoàng Thị Nhung, một người bán hàng tạp hóa tự chọn tại xã Nhuận Trạch, huyện Lương Sơn cũng tranh thủ làm “cò” khi cửa hàng có khách lạ dừng chân uống nước. Bà Nhung chia sẻ, các lô đất có diện tích lớn thường khó tìm được khách mua, trong khi các khu đất có diện tích khoảng 1.000m2 luôn được nhà đầu tư săn đón và gần như "cháy hàng."
Bà Nhung cho biết thêm, khu vực này mỗi ngày đón hàng chục đoàn khách đến xem đất, đất nền sang tay liên tục. Có khu đất trong một tháng quay vòng tới 3 chủ, ăn chênh lệch tới vài trăm triệu đồng.
Đề cập vấn đề này, bà Phạm Thị Mơ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Hòa Bình (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, đến nay việc "sốt đất" ở một số nơi trong tỉnh chưa có kiểm chứng và nhiều khi chỉ là mọi người nói chuyện. Về mặt hành chính, Chi cục không quản lý giá đất trên địa bàn...
Với chính sách thu hút đầu tư của tỉnh Hòa Bình, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp đang triển khai các dự án có quy mô lớn như khu nghỉ dưỡng, khu công nghiệp...
Tình trạng giá đất tại tỉnh Hòa Bình "nóng" ở một số địa phương vừa qua đã gây khó khăn trong công tác quản lý, xác định giá trị thực quyền sử dụng đất, dẫn đến xây dựng bảng giá đất hằng năm và cho cả giai đoạn không sát với thực tế.
Điều này kéo theo việc mua bán, chuyển nhượng "chui" làm phát sinh các tranh chấp trong lĩnh vực dân sự.../.