Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc cấp số định danh cá nhân được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014 của Ban chỉ đạo Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020, gọi tắt là Ban chỉ đạo Đề án 896.
Phiên họp thứ 2 của Ban chỉ đạo Đề án đã được tổ chức sáng 11/2, tại Trụ sở Chính phủ dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban chỉ đạo Đề án 896.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban chỉ đạo đã xem xét tình hình thực hiện Đề án năm 2013, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2014, những nội dung cơ bản của kế hoạch tổng thể triển khai đề án giai đoạn 2014-2020, dự án Luật căn cước công dân và thảo luận về các vấn đề liên quan.
Đánh giá của Văn phòng Ban chỉ đạo Đề án cho thấy thực hiện nhiệm vụ của Đề án, tạo cơ sở pháp lý hoàn thiện cho việc cấp số định danh cá nhân, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Tư pháp đã tích cực hoàn thiện dự án Luật Hộ tịch để trình Quốc hội xem xét thông qua trong năm nay.
Bộ Công an đã và đang hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 90/2010/NĐ-CP về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và nhân dân; thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng dự thảo Nghị định về cấp, quản lý và sử dụng số định danh cá nhân.
Bộ Côn g an cũng đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Dự án khả thi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo hướng đầu tư đồng bộ, hiệu quả, không dàn trải.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thành việc rà soát hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin sẵn có với nhiều đề xuất cụ thể về phương án sử dụng dữ liệu đã được các bộ, ngành, địa phương xây dựng trong việc triển khai Đề án 896. Đến nay, 13 cơ quan thực hiện xong việc hệ thống hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, làm cơ sở để xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, giảm các chi phí phát sinh không cần thiết. Tuy nhiên, việc khai thác các trường thông tin trên cơ sở dữ liệu dùng chung này cần phân cấp, phân quyền rõ.
Theo đại diện Bộ Công an, cơ sở dữ liệu căn cước công dân hiện nay chủ yếu được lưu trữ thủ công, không được kết nối, chia sẻ thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, việc cấp, quản lý, sử dụng chứng minh nhân dân chưa được đáp ứng được yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ và thực hiện Chính phủ điện tử, vì vậy, cần phải xây dựng Luật căn cước công dân.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương các bộ, ngành đã chủ động bám sát triển khai thực hiện Đề án theo lộ trình, nhất là một số nhiệm vụ liên quan đến thể chế. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng tiến độ triển khai đề án còn chậm, các bộ, ngành cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện hơn nữa.
Đề án cần xác định rõ mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2013-2014 là hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc cấp mã số định danh cá nhân, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thực hiện rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư, hoàn chỉnh trình Quốc hội thông qua dự án Luật hộ tịch, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 90/2010/NĐ-CP trình Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần chú trọng triển khai đồng bộ các nhiệm vụ của Đề án, trong đó có việc thu hút sự tham gia của các chuyên gia, các cơ quan chuyên môn để đảm bảo tính khoa học, hợp lý trong quá trình triển khai thực hiện. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là sản phẩm trung tâm then chốt để giải quyết các vấn đề đặt ra của Đề án 986. Do đó, Bộ Công an cần phối hợp với các Bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện dự án cơ sở dữ liệu quan trọng này, tránh sự chồng chéo, lãng phí và có sự liên thông trong xây dựng cơ sở dữ liệu, chọn những vấn đề có lợi trong quản lý lâu dài, đảm bảo chất lượng, tính đồng bộ của dự án.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ trong triển khai Đề án. Bộ Công an cần tổ chức ngay cuộc họp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông và Văn phòng Chính phủ để làm rõ nguồn vốn, kế hoạch cụ thể để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư một cách hiệu quả, đồng bộ, không dàn trải./.