Hoàn thiện hành lang pháp lý để giao dịch điện tử được an toàn

Hoàn thiện hành lang pháp lý thích ứng thị trường hội nhập

Xây dựng và hoàn thiện Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sẽ góp phần bảo vệ quyền lợi của các bên trong hoạt động này và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên thị trường nội địa, cũng như toàn cầu.
Hoàn thiện hành lang pháp lý thích ứng thị trường hội nhập ảnh 1Hướng dẫn người dân thực hiện giao dịch điện tử các dịch vụ điện tại Phòng giao dịch khách hàng thuộc Tổng Công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Bài 2: Hoàn thiện hành lang pháp lý để giao dịch điện tử được an toàn

Vào thời điểm trước khi dịch COVID-19 bùng nổ và diễn biến phức tạp, giao dịch điện tử đã xuất hiện nhưng chưa bứt phá tại thị trường Việt Nam.

Đến nay, cùng với thương mại điện tử, giao dịch điện tử, mua sắm trực tuyến đã trở thành thói quen tiêu dùng phổ biến và xu hướng mới không chỉ ở thị trường nội địa mà đã vượt ra khỏi ranh giới địa lý.

Do đó, xây dựng và hoàn thiện Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sẽ góp phần bảo vệ quyền lợi của các bên trong hoạt động này và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ngay cả trên thị trường nội địa, cũng như thị trường toàn cầu.

Đáp ứng yêu cầu Chính phủ số

Đánh giá Luật Giao dịch điện tử 2005, một số chuyên gia tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng đây là đạo luật có vị trí quan trọng trong hệ thống phát luật Việt Nam.

Sự ra đời của luật này, đã cung cấp cơ sở pháp lý phù hợp cho các giao dịch điện tử trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

Hiện nay, trong môi trường thương mại điện tử, Internet vạn vật, dữ liệu lớn... sửa đổi Luật Giao dịch điện tử là yêu cầu tất yếu của nền kinh tế hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như Việt Nam.

[Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ khi sửa đổi Luật Giao dịch điện tử]

Đặc biệt, sửa đổi Luật Giao dịch điện tử có ý nghĩa vô cùng hệ trọng trong quá trình chuyển đổi số của Việt Nam, thể hiện quyết tâm cao độ của Đảng, nhân dân và hệ thống cơ quan Nhà nước trong việc đồng bộ hóa chính sách, pháp luật liên quan đến giao dịch điện tử, tạo dựng hành lang pháp lý thông thoáng để phát triển kinh tế số, Chính phủ số, xã hội số.

Liên quan đến dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), ông Huỳnh Thiên Tứ, Giảng viên trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết dự thảo đã loại bỏ Điều khoản về tài khoản định danh điện tử để tránh trùng lặp với điều khoản tương tự đã có trong những văn bản quy phạm pháp luật khác.

Dự thảo cũng đã loại bỏ nghĩa vụ công bố công khai thuật toán sử dụng để khuyến nghị, hiển thị nội dung, hiển thị quảng cáo cho người dùng; sửa đổi và không còn đưa ra tiêu chí phân loại quy mô nền tảng số, đồng thời giao nhiệm vụ cho Chính phủ quy định chi tiết về cách thức phân loại quy mô nền tảng số...

Mặc dù vậy, dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) vẫn còn tồn tại những vấn đề bất cập chưa được sửa đổi như điểm c, khoản 1 Điều 48, quy định về trách nhiệm của chủ quản hệ thống thông tin bảo đảm sẵn sàng thực hiện kết nối kỹ thuật phục vụ giám sát, kiểm tra, báo cáo số liệu hoạt động với hệ thống giám sát của cơ quan nhà nước theo quy định nhưng quy định này chưa rõ ràng và có nguy cơ gây ra trở ngại mới trong môi trường kinh doanh.

Hoàn thiện hành lang pháp lý thích ứng thị trường hội nhập ảnh 2Hướng dẫn cài đặt ứng dụng Bảo hiểm xã hội số (VssID). (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Ngoài ra, tại Chương V chưa thấy quy định về tính pháp lý của giao dịch điện tử diễn ra giữa cơ quan nhà nước và cá nhân, tổ chức ngoài cơ quan nhà nước; nhất là chưa thấy nguyên tắc pháp lý chung mà cơ quan nhà nước phải tuân thủ khi xử lý dữ liệu cá nhân, dữ liệu nhạy cảm liên quan đến cá nhân.

Theo Nghị quyết số 02/2022 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phải phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Còn báo cáo gần đây của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng chỉ ra rằng giới kinh doanh kỳ vọng cơ quan hữu trách phải cải thiện môi trường kinh doanh song song với việc hỗ trợ các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu nền kinh tế số.

Để làm được điều này, VCCI kiến nghị bên cạnh việc giảm thiểu số lượng thủ tục hành chính của chủ thể kinh doanh, cần rất lưu ý đến những quy định pháp luật mà sự tuân thủ sẽ gia tăng chi phí cho doanh nghiệp, làm suy giảm ý chí khởi nghiệp và tăng rào cản vận hành trong kinh doanh.

Một vấn đề đáng chú ý nữa là bên cạnh lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, bán lẻ... còn vô vàn những ngành nghề kinh doanh khác có sử dụng thông tin khách hàng sẽ phải chịu tác động của quy định này.

Với vai trò là luật quy định về hình thức của các giao dịch điện tử, Ban soạn thảo dự thảo Luật giao dịch điện tử sửa đổi cần tập trung vào những vấn đề kỹ thuật xoay quanh giao dịch điện tử, vốn là một nhóm của giao dịch dân sự.

Trong phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), các nghĩa vụ về chia sẻ và kết nối kỹ thuật của chủ quản hệ thống thông tin, nếu trên cơ sở an toàn thông tin mạng thì có thể xem xét lược bỏ nhằm bảo đảm tính nhất quán của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Kiến tạo nền tảng số

Theo Luật sư Lê Thu Minh, Công ty luật Baker & McKenzie Việt Nam, dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đang định nghĩa nền tảng số là hệ thống thông tin tạo môi trường điện tử cho phép các bên thực hiện giao dịch hoặc cung cấp, sử dụng sản phẩm, dịch vụ hoặc sử dụng để phát triển sản phẩm, dịch vụ.

Nền tảng số, bao gồm nền tảng số trung gian và các nền tảng số khác. Còn nền tảng số trung gian là nền tảng số mà chủ quản nền tảng số độc lập với các bên thực hiện giao dịch.

Những định nghĩa này vẫn đang khá rộng và không cụ thể, dẫn đến nguy cơ nền tảng số có thể bao gồm tất cả loại dịch vụ kỹ thuật số/dịch vụ trực tuyến liên quan trực tiếp đến giao dịch điện tử.

Do đó, nên thu hẹp định nghĩa nền tảng số là hệ thống thông tin tạo môi trường điện tử được thể hiện dưới dạng trang thông tin điện tử (website) hoặc ứng dụng di động (application) cho phép các bên thực hiện trọn vẹn quy trình giao dịch trong quá trình cung cấp, sử dụng sản phẩm, dịch vụ. Nền tảng số, bao gồm nền tảng số trung gian và các nền tảng số khác.

Riêng Điều 52 của dự thảo hiện tại có quy định về việc bảo vệ thông điệp dữ liệu, nhưng vấn đề bảo mật thông tin và an ninh mạng đã được điều chỉnh bởi Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng và Nghị Định hướng dẫn thi hành số 53 nên có sự trùng lặp không cần thiết.

Thông điệp dữ liệu, về bản chất cũng là một loại dữ liệu không có tính đặc thù nổi bật như dữ liệu cá nhân, nên không cần thiết phải được bảo vệ chuyên biệt.

Đối với loại dữ liệu đặc thù, cần bảo vệ nghiêm ngặt hơn các loại dữ liệu khác là dữ liệu cá nhân và hiện nay Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang triển khai xây dựng Nghị định về Bảo vệ Dữ liệu cá nhân.

Trên thực tiễn về bảo vệ dữ liệu ở các nước, chỉ có các sự cố và vi phạm xâm hại trực tiếp đến dữ liệu cá nhân của người dùng mới cần phải thông báo đến người dùng.

Các sự cố khác không liên quan đến dữ liệu người dùng, nếu được thông báo cho người dùng, sẽ tạo ra sự phiền nhiễu không đáng có, lãng phí tài nguyên kỹ thuật của nhà cung cấp dịch vụ và của quốc gia.

Nhằm xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), cũng như phát triển thương mại điện tử, bà Trần Thị Thanh Thư, chuyên gia Công ty Luật Trách nhiệm Hữu hạn ALB & Partners, đề xuất sửa đổi quy định tại khoản 8 Điều 3 dự thảo Luật thành chứng từ điện tử là chứng từ được thể hiện dưới dạng dữ diện điện tử do tổ chức, cá nhân có trách nhiệm khấu trừ thuế cấp cho người nộp thuế hoặc do tổ chức thu thuế, phí, lệ phí cấp cho người nộp bằng phương tiện điện tử theo quy định của pháp luật phí, lệ phí, pháp luật thuế.

Vì nếu chứng từ điện tử là chứng từ được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu do tổ chức, cá nhân có trách nhiệm khấu trừ thuế cấp cho người nộp thuế hoặc do tổ chức thu thuế, phí, lệ phí cấp cho người nộp bằng phương tiện điện tử theo quy định của pháp luật phí, lệ phí, pháp luật thuế.

Còn Điều 25 dự thảo, về giá trị pháp lý của chữ ký điện tử nên có thêm quy định về việc chữ ký điện tử được khởi tạo hoặc sử dụng trái phép sẽ không có giá trị pháp lý.

Cụ thể, người không có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức hoặc không phải là cá nhân sở hữu chữ ký điện tử hợp pháp mà sử dụng chữ ký điện tử để thực hiện giao dịch, hợp đồng thì hậu quả pháp lý là giao dịch, hợp đồng sẽ bị vô hiệu theo quy định pháp luật./.

Bài 1: Bảo về quyền lợi người tiêu dùng

Bài cuối: Tăng pháp lý về tranh chấp thương mại

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục