Hoàn thiện hệ thống ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân

Hiện nay hệ thống ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân của Việt Nam đang được hình thành từ cấp Trung ương đến các địa phương.
Theo Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ), hiện nay hệ thống ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân của Việt Nam đang được hình thành từ cấp Trung ương đến địa phương với ba cấp: Quốc gia, địa phương và cơ sở.

Dự kiến trong năm 2013, Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân cấp quốc gia do Cục An toàn bức xạ và hạt nhân chủ trì xây dựng sẽ hoàn thành, trong đó sẽ đánh giá nguy cơ tổng thể về sự cố bức xạ và hạt nhân, trách nhiệm của các bộ, ngành trong hoạt động ứng phó, xác định các mức can thiệp và công tác chuẩn bị, ứng phó sự cố liên quan khác.

Hiện tại, cả nước đã có 8 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Lạng Sơn, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương xây dựng xong kế hoạch ứng phó sự cố cấp tỉnh, trong đó một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Lạng Sơn đã tổ chức diễn tập với sự tham gia của các đơn vị trong tỉnh. Ngoài ra, còn một số địa phương như Đồng Nai, Nam Định, Thừa Thiên-Huế, Cần Thơ, Quảng Ninh cũng đang thực hiện các bước chuẩn bị ban đầu cho kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân tại địa phương.

Nhằm nâng cao năng lực kỹ thuật ứng phó với sự cố bức xạ và hạt nhân, Việt Nam đã tham gia Công ước thông báo sớm và công ước trợ giúp; đăng ký các đầu mối liên hệ trong các sự cố bức xạ và hạt nhân.

Bên cạnh triển khai công tác phổ biến kiến thức về ứng phó sự cố, diễn tập về ứng phó sự cố ở cấp quốc gia, địa phương, cơ sở; các đơn vị chức năng tập trung xây dựng quy trình chẩn đoán sớm và điều trị bệnh phóng xạ...

Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập được 1 hệ thống phát hiện chất phóng xạ trong hàng hóa nhập khẩu tại cảng Cái Mép, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, mở đầu cho việc trang bị các điểm kiểm soát phóng xạ tại các cửa khẩu, cảng quốc tế, cơ sở xử lý sắt thép lớn.

Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cho biết các sự cố bức xạ và hạt nhân xảy ra ở Việt Nam đều liên quan đến tình huống báo động nguồn giả, phát hiện nguồn phóng xạ nằm ngoài kiểm soát, sự cố kẹt nguồn, rơi nguồn.

Từ năm 2012 đến nay, tại Việt Nam đã xảy ra 3 sự cố bức xạ và đã được các cơ quan chức năng xử lý an toàn. Đó là sự cố nguồn phóng xạ uranium bị bỏ rơi tại xã Bắc Lạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình; sự cố kẹt nguồn phóng xạ trong giếng khoan của Liên doanh Việt-Nga (Vietsovpertro) trong năm 2012 và gần đây nhất là sự cố phát hiện nguồn phóng xạ tại Công ty cổ phần ximăng Chiềng Sinh (tỉnh Sơn La)./.

Nguyễn Bích Thủy (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục