Hoàn thiện “luật khung” vững cho hoạt động xây dựng

Bộ Xây dựng đang nỗ lực hoàn thiện dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi nhằm khắc phục những hạn chế và phù hợp hơn với tình hình thực tế.
Luật Xây dựng là “luật khung” xuyên suốt của toàn bộ các mặt liên quan đến hoạt động xây dựng và Bộ Xây dựng đang nỗ lực hoàn thiện dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi để thay thế Luật Xây dựng 2003 nhằm khắc phục những hạn chế và phù hợp hơn với tình hình thực tế.

Phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật rất lớn, bởi đầu tư có xây dựng hiện chiếm trên 70% tổng vốn đầu tư toàn xã hội (đang chiếm gần 30% GDP). Để sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn này, nhiều quy định đã được sửa đổi theo nguyên tắc dự án sử dụng các nguồn vốn khác nhau sẽ được quản lý theo các phương thức khác nhau.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Trung Dung - Vụ trưởng Vụ Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) xung quanh vấn đề sửa Luật Xây dựng.

- Thay đổi lớn nhất tại Luật Xây dựng sửa đổi là nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn, xin ông cho biết rõ hơn về mục tiêu này?


Ông Bùi Trung Dung: Luật Xây dựng khi sửa đổi đã tập trung vào việc tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật để điều chỉnh hoạt động đầu tư xây dựng sử dụng các loại nguồn vốn khác nhau. Chủ đầu tư là người bỏ vốn ra để thực hiện công trình, tuy nhiên, trong hoạt động đầu tư xây dựng thì có nhiều loại nguồn vốn khác nhau. Thể hiện rõ nhất là vốn tư nhân và vốn nhà nước.

Có thể thấy rõ các công trình có nguồn vốn tư nhân thường được quản lý rất chặt chẽ do nó ảnh hưởng trực tiếp đến “túi tiền cá nhân.” Còn đối với công trình sử dụng vốn ngân sách, vốn nhà nước thì chủ đầu tư là người được ủy quyền, thay mặt nhà nước sử dụng nguồn tiền này để đầu tư xây dựng công trình.

Luật Xây dựng cũ chưa phân biệt rõ các nguồn vốn này để có quy định và giải pháp quản lý chặt chẽ. Do đó, các công trình sử dụng vốn nhà nước thường xảy ra tình trạng thất thoát, kéo dài thời gian thực hiện, bê chễ hoặc chất lượng không đảm bảo. Như vậy, khó phát huy hiệu quả vốn đầu tư.

Bởi vậy, nội dung xuyên suốt các chương của Luật Xây dựng sửa đổi là siết chặt quản lý nguồn vốn nhà nước bằng cách xây dựng các Ban quản lý dự án (Quản lý dự án) chuyên nghiệp.

- Thế nhưng hiện nay, nhiều Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng hoạt động còn rất hạn chế. Vậy làm cách nào để có thể đáp ứng yêu cầu đặt ra thưa ông?

Ông Bùi Trung Dung: Ban Quản lý dự án chuyên nghiệp là cái đích hướng đến chứ không để tình trạng cứ có công trình thì mới lập Ban Quản lý dự án. Bởi thực tế các Ban Quản lý dự án này chất lượng hoạt động không cao, năng lực yếu, thậm chí phải kiêm nghiệm. Ví dụ, khi có công trình, có nơi đưa cả cô giáo (ngành giáo dục) hoặc bác sỹ (ngành y) vào làm Ban Quản lý dự án... nên thiếu chuyên nghiệp dẫn đến tình trạng tràn lan. Đây cũng là một dạng thất thoát vì khi tổ chức bộ máy cồng kềnh thì quản lý khó tốt.

Năng lực không chuyên nghiệp thì chất lượng quản lý kém, khó giám sát chất lượng công trình để đảm bảo, tiến độ, nhất là khi gặp những thay đổi dẫn đến rủi ro mà đây lại là đặc thù riêng của nhóm công trình xây dựng. Đến lúc ấy, Ban Quản lý dự án kiểu này rất khó giải quyết được các sự vụ. Thậm chí, do không đủ năng lực, nhiều Ban Quản lý dự án còn ủy thác lại cho tư vấn hoặc nhà thầu làm toàn bộ quy trình quản lý đầu tư xây dựng, dẫn đến tình trạng thông đồng, nâng khống khối lượng, tăng đơn giá để trục lợi.

Nghề Quản lý dự án là nghề sau đại học. Quản lý dự án rất khó, trong khi công tác Quản lý dự án tại Việt Nam lại chưa theo mạch rõ ràng, thiếu chuyên nghiệp. Một trong những thất thoát trong hoạt động đầu tư xây dựng thường được phát hiện tại các công trình có Ban Quản lý dự án thành lập theo công trình. Dễ nhận thấy nhất là chi phí gián tiếp cho công tác quản lý tăng.

Một đời dự án chi phí không dừng ở lúc khởi công công trình mà được tính từ khi chuẩn bị đầu tư, khi kết thúc lại còn thời gian bảo hành, thanh toán và phục vụ cả thanh tra kiểm toán (với công trình sự dụng vốn ngân sách). Do vậy, nếu đặc thù công trình vốn ngân sách nhà nước mà lại thành lập Ban Quản lý dự án theo công trình thì sẽ rất khó khăn.

Ngay bên thanh tra kiểm toán cũng phản ánh khi làm việc với những Ban Quản lý dự án chuyên nghiệp thì rất nhanh, hồ sơ đầy đủ, số liệu chính xác. Thế nhưng khi thanh tra kiểm toán tại các Ban Quản lý dự án thành lập theo công trình thì gặp rất nhiều khó khăn vì họ không chuyên nghiệp, kể cả cách quản lý công trình cũng vậy.

Bởi vậy, lần này Luật Xây dựng sửa đổi sẽ bao quát toàn bộ những vấn đề đó. Việc xác lập quan hệ bình đẳng, phân định rõ trách nhiệm giữa các chủ thể tham gia sẽ giúp nâng cao chất lượng xây dựng, hiệu quả đầu tư, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí đặc biệt là đối với các hoạt động đầu tư xây dựng có sử dụng vốn nhà nước. Đặc biệt, các hoạt động đầu tư xây dựng phải được thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch; được kiểm soát chặt chẽ trên cơ sở tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này đối với toàn bộ quá trình đầu tư xây dựng.

- Nhiều ý kiến cho rằng có độ “vênh” giữa Luật Xây dựng với các Luật liên quan, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Ông Bùi Trung Dung:
Công trình xây dựng có đặc thù rất riêng. Thị trường xây dựng chính ra là thị trường lao động và xây dựng chứ không phải là thị trường hàng hóa.

Công trình xây dựng có đặc điểm là định vị trên mặt đất và ngoài trời với đặc thù kéo dài, thường có đầu tư lớn. Cũng vì công trình xây dựng có đặc thù riêng nên không cho phép chất lượng kém vì nó rất khó khắc phục, khó bỏ đi, khó làm lại nên việc đầu tư đúng lúc, đúng quy mô, đúng tầm là rất quan trọng để phát huy hiệu quả.

Vì vậy trong quá trình xây dựng thì thay đổi thiết kế thường diễn ra, kể cả với những thiết kế khá chỉn chu do diễn biến của thị trường, thời tiết, quan điểm của chủ đầu tư... Những thay đổi trong hoạt động xây dựng lại chịu nhiều yếu tố rủi ro. Trong khi đó, Luật Đấu thầu chỉ đưa những công thức tính toán một cách cứng nhắc, suy rộng ra vẫn là đấu giá. Nếu xét về đấu thầu trong xây dựng thì phải là đấu nguồn lực để tạo thành công trình đó chứ không phải là đấu giá. Bởi vậy, giá hợp lý trọng hoạt động xây dựng mới là cái cần quan tâm chứ không phải chỉ ưu tiên giá thấp trúng thầu. Về bản chất, chỉ có những người làm nghề mới chọn ra được giá hợp lý bởi mức giá đánh giá này rất khó.

Do đó, Tổ soạn thảo Luật Xây dựng sửa đổi đã kiến nghị lên Ủy ban Thường vụ Quộc hội là Luật Đấu thầu chỉ nên là Luật khung còn riêng đấu thầu trong hoạt động xây dựng vẫn cần có Nghị định riêng để hướng dẫn cụ thể, linh hoạt, sát thực tiễn.

- Xin trân trọng cảm ơn Vụ trưởng!/.

Thu Hằng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục