Hoạt động sản xuất của Trung Quốc chưa có dấu hiệu lạc quan

Hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã suy giảm tháng thứ ba liên tiếp trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu bị chững lại và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang.
Hoạt động sản xuất của Trung Quốc chưa có dấu hiệu lạc quan ảnh 1Dây chuyền sản xuất nước ngọt đóng chai tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 21/6/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo số liệu Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 31/7, hoạt động sản xuất của nước này đã suy giảm tháng thứ ba liên tiếp trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu bị chững lại và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang.

Cụ thể, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc trong tháng 7 là 49,7 tăng nhẹ so với mức 49,4 trong tháng trước.

Đây là lần đầu tiên trong 4 tháng, chỉ số PMI tăng, song việc con số này thấp hơn 50% cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc đang tiếp tục bị thu hẹp.

Chỉ số sản xuất tăng 0,8 điểm lên 52,1, trong khi các đơn đặt hàng mới chỉ tăng 0,2 điểm lên 49,8. Trong số 21 lĩnh vực được khảo sát, có 12 lĩnh vực ghi nhận tăng trưởng, cao hơn so với 9 lĩnh vực trong tháng 6.

Chuyên gia phân tích của ngân hàng NBS Zhao Qinghe cho biết lĩnh vực sản xuất vẫn đang ghi nhận nhiều sự thay đổi tích cực, với tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất giấy và thiết bị công nghệ thông tin.

[Kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng vững bất chấp áp lực suy giảm]

Đáng chú ý, một cuộc khảo sát riêng rẽ cho thấy lĩnh vực dịch vụ đã ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất trong 8 tháng ở mức 53,7, trong lúc Trung Quốc đang dựa vào lĩnh vực này để bù đắp cho do nỗ lực chuyển đổi nền kinh tế vốn phụ thuộc vào công nghiệp nặng và xuất khẩu.

Thời gian qua, Trung Quốc đã mạnh tay cắt giảm thuế và nỗ lực rót vốn cho các công ty vừa và nhỏ để ngăn kinh tế đi xuống. Theo chuyên gia, chính sách này đã giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp và đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định lòng tin của các tập đoàn.

Tuy nhiên, chỉ có các nhà sản xuất lớn mới bắt nhịp được đà tăng trưởng trong tháng này, trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại không được như vậy.

Chuyên gia Julian Evans-Pritchard của Trung tâm tham vấn kinh tế Capital Economics nhận định các số liệu trên đã phản ánh sự chững lại của tăng trưởng sản lượng công nghiệp, cũng như hoạt động kinh tế rộng hơn.

Với tác động từ biện pháp thuế quan của Mỹ, sụt giảm nhu cầu trên thế giới và xu hướng siết chặt kiểm soát tài sản, chuyên gia này dự báo Trung Quốc sẽ triển khai thêm các biện pháp nới lỏng tiền tệ trong những tháng tới.

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trên đà xuống gần mức thấp nhất trong 30 năm, các nhà đầu tư đang chờ đợi xem Bắc Kinh có chấp nhận nới lỏng hạn chế với thị trường bất động sản để thúc đẩy xây dựng và đầu tư hay không. Động thái này có thể làm tăng nợ hộ gia đình và dẫn đến nguy cơ bong bóng bất động sản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục