Hoạt động XNK hàng hóa của Việt Nam đạt mức xuất siêu kỷ lục

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng ước tính đạt 489,1 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu đạt 254,6 tỷ USD, tăng 5,3% và nhập khẩu đạt 234,5 tỷ USD, tăng 1,5%.
Hoạt động XNK hàng hóa của Việt Nam đạt mức xuất siêu kỷ lục ảnh 1Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 11 tháng năm 2020 đạt mức xuất siêu kỷ lục 20,1 tỷ USD. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Theo công bố của Tổng cục Thống kê sáng 29/11, trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới, nhưng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 11 tháng năm 2020 đạt mức xuất siêu kỷ lục 20,1 tỷ USD.

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng ước tính đạt 489,1 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu đạt 254,6 tỷ USD, tăng 5,3% và nhập khẩu đạt 234,5 tỷ USD, tăng 1,5%.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện tháng 11/2020, ước đạt 24,8 tỷ USD, giảm 9% so với tháng trước và tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Tính chung 11 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 254,6 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 73 tỷ USD, tăng 1,6%, chiếm 28,7% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 181,6 tỷ USD, tăng 6,9%, chiếm 71,3%.

Trong 11 tháng có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 64,3%).

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 11 tháng, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 138 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 90,2 tỷ USD, tăng 1,5%; nhóm hàng nông, lâm sản đạt 18,7 tỷ USD, giảm 0,1%; nhóm hàng thủy sản đạt 7,7 tỷ USD, giảm 0,9%.

[Cán cân thương mại hàng hóa trong 10 tháng thặng dư 18,22 tỷ USD]

Về thị trường xuất khẩu hàng hóa, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng với kim ngạch đạt 69,9 tỷ USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 43,1 tỷ USD, tăng 16%. Thị trường EU đạt 32,2 tỷ USD, giảm 2,4%. Thị trường ASEAN đạt 20,9 tỷ USD, giảm 10,6%. Hàn Quốc đạt 17,7 tỷ USD, giảm 2,7%. Nhật Bản đạt 17,3 tỷ USD, giảm 6,5%.

Tổng cục Thống kê cho biết, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa thực hiện tháng 11/2020 ước đạt 24,2 tỷ USD, giảm 0,5% so với tháng trước và tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 11 tháng năm 2020, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 234,5 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 85,43 tỷ USD, giảm 9,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 149,07 tỷ USD, tăng 9,2%.

Trong 11 tháng năm 2020 có 34 mặt hàng đạt kim ngạch nhập khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 89,4% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 4 mặt hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD, chiếm 49,3%).

Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu 11 tháng năm 2020, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 218,8 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,3% tổng kim ngạch nhập khẩu; nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 15,7 tỷ USD, tăng 0,5% và chiếm 6,7%.

Về thị trường nhập khẩu hàng hóa trong 11 tháng, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 73,9 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc đạt 42 tỷ USD, giảm 2,9%; thị trường ASEAN đạt 27,3 tỷ USD, giảm 6,9%; Nhật Bản đạt 18,6 tỷ USD, tăng 4,8%; thị trường EU đạt 13,2 tỷ USD, tăng 4,3%; Hoa Kỳ đạt 12,6 tỷ USD, giảm 3,6%.

Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 11/2020, ước tính xuất siêu 600 triệu USD. Tính chung 11 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu kỷ lục 20,1 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 10,8 tỷ USD); trong đó khu vực trong nước nhập siêu 12,4 tỷ USD; khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 32,5 tỷ USD.

Trong tháng 11/2020, thương mại trong nước cũng tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt mức tăng cao 13,2%; vận tải tăng 2,3% về lượng hành khách vận chuyển và tăng 5,3% về lượng hàng hóa vận chuyển so với tháng trước; khách quốc tế đến nước ta tăng 19,6% so với tháng trước, nhưng giảm 99% so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục