Tiếp sức để doanh nghiệp Việt Nam phục hồi sau đại dịch COVID-19

Những giải pháp linh hoạt, gói hỗ trợ doanh nghiệp cùng Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh được kỳ vọng như liều thuốc trợ lực cho các doanh nghiệp.
Tiếp sức để doanh nghiệp Việt Nam phục hồi sau đại dịch COVID-19 ảnh 1Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông (thành phố Cần Thơ). (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Dịch COVID-19 kéo dài khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn cục bộ, nhiều quốc gia rơi vào tình trạng khó khăn.

Nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam trong quý đầu năm cũng không tránh khỏi xu thế này khi sản xuất và thị trường bị thu hẹp, tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực chậm lại, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao.

Trước bối cảnh đó, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp trong thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa duy trì nhịp độ kinh tế nên kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục ổn định.

Chính phủ và Quốc hội đã xem xét, bổ sung các sắc thuế, phí cần miễn giảm; kéo dài thời hạn hoãn các khoản phải nộp, phải trả của doanh nghiệp; nới trần hạn mức tăng trưởng tín dụng cho vay… nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, những giải pháp linh hoạt, gói hỗ trợ doanh nghiệp cùng Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký mới đây được kỳ vọng như liều thuốc trợ lực cho các doanh nghiệp và là động lực để kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng từ 2,5-3% trong năm 2020.

Chủ động thích ứng

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, dịch COVID-19 bùng phát ngay trong quý 1 đã làm cho tăng trưởng GDP thấp nhất trong nhiều năm.

Mức tăng GDP tiếp tục sụt giảm mạnh trong quý 2 khi thực hiện giãn cách xã hội và các quốc gia đều thực hiện phong tỏa biên giới để phòng chống dịch; đồng thời hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa cũng chịu tác động giảm sút.

Thế nhưng, bước sang quý 3, sức khỏe của nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp đã dần phục hồi với mức tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2019 và khả quan hơn trong tháng 10. Đặc biệt, cán cân thương mại đã thặng dư đến 18,72 tỷ USD sau 10 tháng.

Ông Đinh Trọng Thịnh cũng cho biết nếu như trong quý 1, số doanh nghiệp quay trở lại sản xuất là 14.800, giảm 1,6% so cùng kỳ năm 2019 thì sang quý 2 và quý 3, con số này đã tăng lên đáng kể 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến tháng 10, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 10,4%.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất cũng có dấu hiệu tích cực khi chỉ số nhà quản trị mua hàng của Việt Nam (PMI) đạt 51,8 trong tháng 10, cho thấy sự cải thiện của sản xuất. Số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng tăng mạnh, từ đó việc làm đã tăng trở lại sau 8 tháng giảm. Điều này thể hiện sự rất kịp thời từ phía Chính phủ cùng hàng loạt giải pháp ứng phó, các gói hỗ trợ kinh tế nên “sức khoẻ” của các doanh nghiệp được cải thiện rõ rệt và đạt kết quả kinh doanh tích cực, lợi nhuận khả quan.

Là doanh nghiệp nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra của Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn Thủy sản Biển Đông (Cần Thơ) nhờ kiểm soát tốt chất lượng đã đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính; trong đó có thị trường Mỹ, châu Âu.

[Nâng chất doanh nghiệp: Giải pháp trước thách thức dịch bệnh]

Hơn nữa, nhiều năm trở lại đây, Công ty trách nhiệm hữu hạn Thủy sản Biển Đông luôn là một trong số ít các doanh nghiệp được hưởng thuế suất thấp nhất và gần như bằng 0 khi đưa cá tra vào thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sản phẩm cá tra và tôm xuất khẩu sang thị trường Mỹ của doanh nghiệp giảm đáng kể. Không những vậy, nhiều đơn hàng của doanh nghiệp cũng đã phải nằm chờ tại các kho bãi nên dẫn đến nhiều chi phí phát sinh.

Ông Ngô Quang Trường - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thủy sản Biển Đông chia sẻ cũng như nhiều các doanh nghiệp thủy sản khác tại Cần Thơ, công ty đã phải chuyển mình thích ứng với hoàn cảnh. Thay vì chỉ tập trung xuất khẩu sang Mỹ như trước kia, công ty đã tiếp cận thêm một số thị trường khác và quay về khai thác thị trường nội địa khi các thị trường quốc tế vẫn chưa có sự phục hồi trở lại.

Hơn nữa, việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đi vào thực thi được ví như phao cứu sinh giúp doanh nghiệp mở rộng thêm cánh cửa xuất khẩu vào khu vực này.

Theo ông Ngô Quang Trường, công ty đang tái cơ cấu lại hoạt động, tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi, những sản phẩm chủ lực để vươn lên khi dịch COVID-19 đi qua.

Ông Nguyễn Đặng Hiến - Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) cho biết đến nay, công ty đã khôi phục sản xuất được gần 90%. Ngoài ra, công ty vẫn đang giữ mức tăng trưởng hai con số với mặt hàng nước giải khát xuất khẩu sang Myanmar, Nhật Bản và dự kiến tiếp tục xuất khẩu một số đơn hàng trong thời gian tới.

Còn theo bà Ninh Thị Bích Thùy - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thép TVP, do chủ động và có những bước đi cụ thể nên dù dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhưng nhà máy vẫn hoạt động liên tục, tạo công ăn việc làm ổn định đối với người lao động.

Hoạt động theo mô hình Startup từ năm 2015 về chuỗi nuôi trồng, chế biến, phân phối và xuất khẩu các sản phẩm thủy sản từ cá thát lát, sản phẩm của Công ty cổ phần Thực phẩm Phạm Nghĩa (Cần Thơ) đã bám rễ sâu tại hệ thống Vinmart, Bách hóa Xanh, AEON Mall cũng như xuất khẩu sang một số thị trường lân cận. Do tác động tiêu cực từ dịch COVID-19 nên việc tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm cá thát lát của công ty gặp không ít khó khăn.

Thế nhưng, với sự hỗ trợ từ phía cơ quan Nhà nước cùng với sự đồng lòng của toàn thể nhân viên, Công ty cổ phần Thực phẩm Phạm Nghĩa tạo được thế vững chãi hơn giữa tâm dịch COVID-19.

Cần hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp

Nhận định về tình hình kinh tế năm 2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh Việt Nam là một trong số ít nước có tăng trưởng kinh tế dương, khả năng năm nay đạt và vượt 8/12 chỉ tiêu Quốc hội giao.

Dựa vào số liệu thống kê hết tháng 10 và dự báo 2 tháng cuối năm, nếu không có gì đặc biệt, không có sự cố bất thường, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hoàn toàn có thể đạt mức 2,5-3%.

Không những thế, Việt Nam còn là một trong số ít quốc gia được đánh giá thành công trong phòng chống dịch COVID-19, cơ bản kiểm soát được dịch bệnh với chính sách kịp thời, thực hiện quyết liệt, chi phí hiệu quả giúp phục hồi kinh tế nhanh.

Trong khi đó, để hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh sẽ chủ động phối hợp các bộ, ngành và các hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp để rà soát đánh giá thực trạng, cũng như khả năng thẩm thấu các gói hỗ trợ và các chính sách, cơ chế của Chính phủ.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ cụ thể hơn cho doanh nghiệp theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đẩy nhanh và quyết liệt hơn nữa cắt giảm điều kiện kinh doanh, hoàn thiện hệ thống pháp luật để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong cơ hội tiếp cận thị trường cũng như hoạt động đầu tư sản xuất.

Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ xây dựng các chuỗi cung ứng mới thông qua các hoạt động đầu tư, thu hút đầu tư, liên kết đầu tư với các đối tác lớn trong hàng loạt các lĩnh vực công nghiệp trọng điểm, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến chế tạo, từ đó tạo ra vị thế mới của doanh nghiệp trong các chuỗi cung ứng.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, ông Phạm Đình Thúy - Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê) cho rằng các doanh nghiệp cần tìm kiếm đối tác kinh doanh, kịp thời tháo gỡ khó khăn, phát huy hiệu quả vốn đầu tư của doanh nghiệp vào toàn nền kinh tế.

Tiếp sức để doanh nghiệp Việt Nam phục hồi sau đại dịch COVID-19 ảnh 2Đại diện các ngân hàng tư vấn, giới thiệu các gói vay hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau COVID-19. (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN)

Đồng quan điểm này, ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Trọng Nghĩa cũng khẳng định mong muốn cùng Chính phủ để chia sẻ những khó khăn chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, việc Chính phủ tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng ở thời điểm này là rất cần thiết để tạo đà cho doanh nghiệp phục hồi vững vàng hơn.

Ngoài ra, 4 vấn đề quan trọng cần Chính phủ và các cơ quan chức năng ưu tiên tập trung giải quyết là tiếp tục gia hạn thời gian nộp thuế; tăng thêm gói hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch và mở rộng phạm vi nhóm ngành và đối tượng được hưởng ưu đãi; triển khai nhanh, đồng bộ, hiệu quả các gói hỗ trợ và ổn định kinh tế vĩ mô.

Mặt khác, Chính phủ cần hỗ trợ giảm lãi vay, sửa đổi và nới lỏng điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội cũng như giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp.

Với những chính sách hỗ trợ của Chính phủ cùng và nỗ lực vượt khó, các doanh nghiệp tin tưởng rằng những tháng cuối năm sẽ có kết quả kinh doanh tốt hơn, lợi nhuận cao hơn và tạo sức bật cho nền kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục