Hoạt động xuất khẩu gạo của Ấn Độ gặp ách tắc

Những lô hàng bị giữ lại tại các trạm vận chuyển container (CFS) để đảm bảo rằng gạo đồ sẽ không được xuất khẩu dưới dạng gạo trắng, nhằm trốn thuế xuất khẩu 10%.

Các lô hàng thường bị giữ khoảng 10 ngày. (Nguồn: ANI)
Các lô hàng thường bị giữ khoảng 10 ngày. (Nguồn: ANI)

Các lô hàng gạo trắng (basmati) và gạo đồ không phải gạo trắng (non-basmati) của Ấn Độ đang bị Cơ quan Hải quan nước này giữ lại tại các khu cảng xuất khẩu, dù Chính phủ đã ban hành lệnh nới lỏng các hạn chế xuất khẩu gạo đưa ra trước đó.

Theo các nguồn tin thương mại, những lô hàng bị giữ lại tại các trạm vận chuyển container (CFS) để đảm bảo rằng gạo đồ sẽ không được xuất khẩu dưới dạng gạo trắng, nhằm trốn thuế xuất khẩu 10%.

Ngày 27/9, Chính phủ Ấn Độ tuyên bố giảm thuế xuất khẩu gạo đồ, gạo lứt và gạo nguyên liệu từ 20% xuống còn 10%. Sau đó một ngày, các nhà chức trách nước này lại ban hành tiếp quyết định bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng. Hiệu lực áp dụng từ ngày 28/9.

Cơ quan Hải quan Ấn Độ cho biết đang tiến hành kiểm tra để đảm bảo gạo đồ không được xuất khẩu dưới dạng gạo trắng. Gạo trắng trên thị trường toàn cầu hiện được bán với giá từ 491-495 USD/tấn và gạo đồ được bán với giá trên 500 USD/tấn.

Các nhà chức trách Ấn Độ nghi ngờ giới thương gia có thể tìm cách xuất khẩu gạo đồ nhưng “lách” dưới dạng gạo trắng để trốn thuế.

Thông tin từ các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ cho biết các lô hàng thường bị giữ khoảng 10 ngày, dẫn đến việc gia tăng chi phí bổ sung từ 70-80 USD/tấn. Điều này ảnh hưởng đặc biệt tới các nhà xuất khẩu gạo quy mô nhỏ và vừa.

Một thương gia tại tỉnh Chennai chia sẻ, các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ đang nỗ lực phục hồi kinh doanh sau khi lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng được dỡ bỏ. Nhưng việc trì hoãn diễn ra tại các khu cảng hiện nay có thể khiến họ thiệt hại.

Người này nhấn mạnh, chi phí bổ sung mà các thương gia phải gánh chịu sẽ khiến việc xuất khẩu trở nên không khả thi và không loại trừ khả năng các lô hàng sẽ bị lỡ tàu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Thương mại song phương Việt Nam-Ba Lan

Thương mại song phương Việt Nam-Ba Lan

Những năm gần đây, thương mại hai nước Việt Nam-Ba Lan đã có được những động lực tăng trưởng đáng kể. Năm 2024, thương mại hai nước đạt 3,44 tỷ USD, tăng 21,7% so với năm 2023.

Thu hoạch hồ tiêu. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Dự báo nguồn cung giảm, hồ tiêu được giá

Sản lượng hồ tiêu toàn cầu dự báo tiếp tục sụt giảm trong khi nhu cầu tiêu thụ ổn định là động lực giúp giá tiêu năm 2025 giữ ở mức cao, tạo đà cho xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam tiếp tục tăng trưởng.