Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng do tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc và Nhật Bản, các học giả từ hai nước đang tìm cách làm dịu bớt tình hình với những cuộc trao đổi ở Washington hòng tìm kiếm một lập trường chung. Các học giả thừa nhận Tokyo và Bắc Kinh có những khác biệt lớn về quan điểm với quần đảo ở biển Hoa Đông, nhưng có một điểm chung cơ bản: cả hai phía không muốn căng thẳng leo thang thành chiến tranh. Hai học giả từ hai nước đang làm nghiên cứu tại Mỹ đã mang theo các chuyên gia, bốn từ Trung Quốc, ba từ Nhật Bản, trong buổi trao đổi kéo dài suốt ngày 27/1 để lắng nghe quan điểm của nhau về quần đảo mà Nhật Bản gọi là Senkaku, còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Người đại diện bên phía Trung Quốc, Zheng Wang, cho rằng còn “khoảng cách lớn về nhận thức” giữa hai phía và cho biết chủ nghĩa dân tộc đang lên cao tại hai nền kinh tế lớn nhất châu Á gây khó khăn cho các nhà lãnh đạo khi họ có những động thái hòa giải bị coi là yếu đuối. “Mỗi bên đều tự coi mình là nạn nhân và bên kia là kẻ xâm phạm, với luận điệu, họ có hành vi gây hấn thay đổi tình trạng hiện hữu, trong khi chúng ta là những nước yêu chuộc hòa bình,” ông Wang, một học giả về chính sách công ở Trung tâm các học giả quốc tế Woodrow Wilson, bình luận. Những cuộc trao đổi ở Washington không có mặt các đại diện chính quyền. Tatsushi Arai, học giả trao đổi chuyên về giải quyết khủng hoảng ở Đại học George Mason, đại diện bên phía Nhật Bản, nói ông đề xuất lập trường “chấp nhận có bất đồng (Nguyên tắc ‘Agree to Disagree’), qua các biện pháp hòa bình.” Arai đưa ra ba lựa chọn, bao gồm Nhật Bản xác lập chủ quyền nhưng thừa nhận lập trường của Trung Quốc. Tuy nhiên, trước giờ Nhật Bản khẳng định quần đảo này không phải là lãnh thổ tranh chấp. Ngược lại, Trung Quốc có thể giữ lập trường về các tuyên bố của họ, nhưng thừa nhận thực tế quần đảo do Nhật Bản kiểm soát, hay cả hai phía cùng thừa nhận những khác biệt. Sau đó hai nước sẽ cùng nhau thiết lập một bộ quy tắc ứng xử cho vùng biển này.
Tuần duyên Nhật phun vòi rồng chặn tàu chở các nhà hoạt động Đài Loan (Trung Quốc) tiến gần về Senkaku/Điếu Ngư hôm 24/1 (Nguồn: AFP)
Nabuo Fukuda, một phóng viên của báo Nhật Bản Asahi Shimbun đồng thời là học giả cấp cao ở Trung tâm Wilson, nói hai nước có thể cùng tiến hành một dự án thăm dò dầu khí chung ở khu vực quần đảo. Nếu phát hiện có dầu, họ có thể trao đổi về cách cùng khai thác, ông nói. “Nếu không tìm thấy dầu, vấn đề sẽ không biến mất, nhưng kinh nghiệm làm việc với nhau có thể có ích cho những phát sinh trong tương lai,” ông nói. Nhật Bản và Trung Quốc từng đạt được thỏa thuận vào năm 2008 theo một đề xuất từ Tokyo về việc cung khai thác, nhưng trên thực tế họ không đạt được tiến bộ nào./.
Trần Trọng (Vietnam+)