Kể từ khi nhà máy thủy điện Đạ Dâng-Đạ Chomo (xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) vận hành, cũng là lúc xảy ra mâu thuẫn về lối đi giữa nhà máy thủy điện và người dân trong vùng.
Đỉnh điểm là hơn một tuần qua, phía nhà máy thủy điện đã rào chắn hoàn toàn lối đi ngang qua đập ngăn nước (thuộc công trình cửa lấy nước của nhà máy) khiến một số em học sinh sống gần đó phải chui qua hàng rào đến trường.
Mâu thuẫn dai dẳng
Có mặt tại đập chặn nước của Nhà máy thủy điện Đạ Dâng-Đạ Chomo (Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Điện Long Hội làm chủ đầu tư), chiều 9/4, phóng viên TTXVN chứng kiến hai phía đầu của tuyến đập chặn nước được rào chắn kỹ càng bằng cổng sắt và hàng rào kẽm gai.
Phía bên trong cổng sắt, một số nhân viên bảo vệ ngồi túc trực không cho ai ra, vào.
Theo các văn bản của Ủy ban Nhân dân huyện Lạc Dương và Ủy ban Nhân dân xã Lát, trước khi đập chặn nước này hình thành, đây là lối đi của người dân địa phương vào phía bên trong (tiểu khu 227B) để sản xuất nông nghiệp.
Từ khi nhà máy thủy điện đi vào vận hành năm 2019, phía thủy điện vẫn tạo điều kiện để người dân đi lại trên con đường qua thân đập để nối với đường ĐT726 (nối huyện Lạc Dương với huyện Lâm Hà) và ra hướng trung tâm xã Lát.
Tuy nhiên, đã có một số lần phía nhà máy thủy điện làm barie, quy định người dân chỉ được đi lại một số khung giờ, khiến việc vận chuyển nông sản khó khăn, người dân bức xúc.
Theo ông Phan Lâm (xã Lát, huyện Lạc Dương), sự việc bắt đầu phức tạp từ tháng 4/2019, phía nhà máy thủy điện làm cổng sắt, hạn chế các phương tiện chở nông sản, xe cơ giới ra, vào, khiến nhiều người dân canh tác tại Tiểu khu 227B gặp khó khăn.
Gần đây nhất là từ ngày 24/3 tới nay, nhà máy đóng kín cổng sắt, rào chắn thêm một lớp cổng hàng rào kẽm gai phía đầu bên kia con đập, không cho người dân đi qua.
Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Điện Long Hội lý giải, việc rào chắn không cho người dân đi qua thân đập thủy điện là căn cứ Điều 23 Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.
Do đó, đường hầm dẫn nước từ hồ chứa về nhà máy thủy điện nằm trong phạm vi bảo vệ, cấm xâm phạm, phá hoại, đồng nghĩa với việc các phương tiện, người dân đi qua đều không được phép, đặc biệt là các phương tiện có tải trọng lớn.
Đồng thời, từ tháng 3/2024, phía công ty cũng hoàn thành thi công tuyến đường tránh cho người dân di chuyển, việc đóng cổng không cho người dân đi qua thân đập như trước để đảm bảo an toàn.
Sớm làm đường đẹp cho dân
Thống kê của Ủy ban Nhân dân xã Lát, trong khu vực Tiểu khu 227B có 3 hộ đang có nhà ở với 10 nhân khẩu, trong đó có 6 người lớn và 3 trẻ nhỏ. Tổng số hộ đang canh tác, sản xuất tại tiểu khu này là 27 hộ, với 44,1 ha canh tác, trong đó chỉ có gần 1ha đất nông nghiệp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trước những khúc mắc về đường đi, Ủy ban Nhân dân huyện Lạc Dương nhiều lần tổ chức làm việc giữa các bên và yêu cầu Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Điện Long Hội đóng góp kinh phí, cùng với ngân sách của huyện làm tuyến đường mới, nối từ khu sản xuất của người dân ra đường ĐT726.
Theo đó, con đường mới (người dân gọi là đường dốc Min) dài khoảng 1,5km, mặt đường rộng 5,5m, theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn loại B, tổng mức đầu tư là gần 1,2 tỷ đồng, đã hoàn thành.
Tuy nhiên, con đường này vẫn chỉ được rải đá cấp phối, có độ dốc lớn, nhiều đoạn mặt đường đất đỏ rất trơn trượt khi trời mưa, gây khó khăn, nguy hiểm cho người dân khi di chuyển.
Theo ông Vũ Ngọc Hưng (hộ dân có khoảng 2ha đất sản xuất trong tiểu khu 227B), tuyến đường mới không chỉ xa hơn mà độ dốc rất lớn nên việc chuyên chở nông sản, phân bón của người dân gặp nhiều khó khăn.
Không những thế, mặt đường chỉ rải đá cấp phối nên rất nguy hiểm, nhiều lần người dân chạy xe máy đã bị ngã và xây sát.
Người dân đã kiến nghị hiến đất, mở thêm một con đường mới băng qua phía trên đường hầm dẫn nước của nhà máy thủy điện để đi ra đường ĐT726, với chiều dài khoảng 250m.
Sau buổi làm việc giữa chính quyền xã, chủ đầu tư và người dân, phía công ty cũng đồng ý với phương án này, đồng thời yêu cầu tuyến đường mới phải nằm ngoài ranh giới đất nhà nước giao cho nhà máy thủy điện, không tác động vào phạm vi tuyến năng lượng của công trình nhà máy thủy điện, cũng như phải được sự đồng ý của các sở, ngành và công ty về đánh giá an toàn cho công trình.
Tuy nhiên, khi người dân chỉ mới thi công tuyến đường trên được một đoạn thì đã bị đình chỉ. Lý do là Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng sau khi kiểm tra, đã xác định con đường này nằm trong phạm vi tuyến năng lượng của công trình nhà máy thủy điện.
Theo ông Bùi Thế, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lạc Dương, phương án tối ưu nhất vẫn là cải tạo con đường lên dốc Min để đi vào khu sản xuất của người dân.
Huyện đã giao cho Ủy ban Nhân dân xã Lát làm chủ đầu tư, gấp rút liên hệ đơn vị tư vấn khảo sát, tính toán hạ độ cao của tuyến đường; đoạn nào quá xấu thì đổ bê tông để dân đi lại, vận chuyển nông sản an toàn.
Bên cạnh đó, địa phương cũng làm việc với chủ đầu tư và thống nhất, trong thời gian tu sửa đường dốc Min, phía công ty sẽ tạo điều kiện cho người dân lưu thông qua cửa hầm dẫn nước ở các khung giờ nhất định, đặc biệt là mở cửa cho học sinh đi lại bất cứ giờ nào trong ngày./.
Quảng Trị: Nhiều người bức xúc vì tuyến đường giữa trung tâm huyện bị rào chắn
Đầu tuyến đường Hùng Vương (thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa) thuộc dự án GMS, có tổng vốn đầu tư hơn 70 tỷ đồng, bị 2 hộ gia đình rào chắn, cản trở các phương tiện qua lại.