Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, chiều 21/11, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã tổ chức buổi họp báo giới thiệu về Hội nghị quốc tế học sinh các trường trung học phổ thông nhân “Ngày thế giới nhận thức về sóng thần" với sự tham gia của 29 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên sự kiện được tổ chức kể từ khi Liên hợp quốc phê chuẩn nghị quyết được đề xuất bởi Nhật Bản và 141 quốc gia chọn ngày 5/11 là “Ngày thế giới nhận thức về sóng thần” vào tháng 12/2015 vừa qua.
Hội nghị sẽ diễn ra trong hai ngày 25-26/11 tại thị trấn Kuroshio, tỉnh Kochi, với khoảng 250 học sinh đến từ 29 quốc gia trên thế giới, cùng khoảng 100 học sinh nước chủ nhà.
Đoàn Việt Nam tham dự sự kiện trên gồm 7 học sinh tiêu biểu đến từ trường phổ thông trung học Cầu Giấy, Hà Nội.
Tham dự sự kiện còn có đại sứ các nước tại Nhật Bản; các nghị sỹ quốc hội; Bộ Ngoại giao; Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và công nghệ Nhật Bản.
Hội nghị quốc tế học sinh các trường phổ thông nhân “Ngày thế giới nhận thức về sóng thần” nhằm mục đích giáo dục thế hệ trẻ tiêu biểu - những nhà lãnh đạo tương lai - nâng cao nhận thức về các thảm họa tự nhiên như động đất và sóng thần; đào tạo các biện pháp ứng phó, bảo vệ tính mạng, tài sản, giảm nhẹ thiệt hại của thiên tai, nhanh chóng phục hồi, tái thiết sau khi thảm họa xảy ra; đồng thời nhấn mạnh tinh thần đoàn kết quốc tế, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau đối phó với các thảm họa tự nhiên.
Tỉnh Kochi của Nhật Bản được chọn làm địa điểm diễn ra sự kiện bởi sáng kiến và các giải pháp đưa ra của tỉnh đối với thảm họa động đất, sóng thần xảy ra tại vùng trũng Nankai, ngoài khơi bờ biển miền Trung Nhật Bản.
Thảm họa được dự báo có chu kỳ 100 đến 150 năm sẽ xảy ra, với động đất cực mạnh và sóng thần có thể cao tới 34m.
Đồng tổ chức với tỉnh Kochi là Văn phòng Cơ quan Giảm thiểu Nguy cơ Thảm họa của Liên hợp quốc (UNISDR) tại Nhật Bản.
Ngày 5/11 được Nhật Bản chọn là “Ngày phòng chống thiên tai sóng thần” cũng là ngày Liên hợp quốc chọn là “Ngày thế giới nhận thức về sóng thần” xuất phát từ một giai thoại của Nhật Bản có tên gọi “Inamura no hi” (đốt lúa sau thu hoạch).
Giai thoại kể về một nông dân đã đốt các bó lúa quý giá của mình để dẫn đường cho dân làng tới một khu đất cao tránh sóng thần trong trận động đất Ansei Nankai lịch sử xảy ra vào ngày 5/11/1854 tại Hirogawa, tỉnh Wakayama, Nhật Bản./.