Đến đô thị cổ Hội An lần đầu, hành trang ra về mang theo sẽ là nỗi nhớ, một nỗi nhớ mộng mị, ngơ ngẩn. Trở lại Hội An lần hai, bắt gặp một cảm giác thèm thuồng không cơn cớ. Dù cho chân đã bước lại trên những góc phố cũ, mắt đã thỏa thuê ngắm nhìn những rêu phong già nua, tai đã lắng nghe những âm thanh rơi nghiêng của những chiếc lá thu cuối mùa và miệng đã được nhâm nhi mùi vị của đêm phố Hội nhưng dường như lòng vẫn chưa thỏa… Để rồi lần thứ ba hay thứ bao nhiêu chăng nữa về lại nơi đây cũng giống như tìm về với người tình xưa cũ. Một người tình hoài niệm cứ lặng lẽ cất giấu vào mình những tinh tế, dịu dàng và nén sâu hơi thở của nhiều tầng văn hóa vào những mái ngói xô nghiêng thời gian.
"Tranh sáng" phố Hội đêm Hội An ban đêm mang vẻ đẹp kiêu sa nhưng buồn man mác trong muôn vàn ánh đèn lồng lung linh. Và, khác lạ! Những con thuyền chở khách lững lờ trôi trên dòng sông loang loáng phản chiếu bóng đèn hắt xuống từ những ngôi nhà ven sông.
"Tranh sáng" phố Hội đêm Hội An ban đêm mang vẻ đẹp kiêu sa nhưng buồn man mác trong muôn vàn ánh đèn lồng lung linh. Và, khác lạ! Những con thuyền chở khách lững lờ trôi trên dòng sông loang loáng phản chiếu bóng đèn hắt xuống từ những ngôi nhà ven sông.
(Phố Hội lung linh soi bóng sông Hoài - Ảnh: ChiLê/Vietnam+)
Một góc phố lao xao nhưng không ồn ào của dãy phố ăn đêm gần Chùa Cầu, cái gì cũng bé tí teo như bày đồ hàng. Bộ bàn ghế gỗ nhỏ nhắn, vài chiếc đèn dầu khêu li ti, những ly bát xinh xắn và giá của những cốc chè, chiếc bánh cũng chỉ vài ngàn đồng…
(Đặc sản quán cóc vỉa hè... - Ảnh: ChiLê/Vietnam+)
Ẩm thực đêm phố Hội rất biết cách khiêu khích vị giác của thực khách bằng đủ món đặc sản quen thuộc như cao lầu, mỳ Quảng, bánh bao, bánh vạc, hoành thánh, chè bắp, bánh đập… Hay đơn giản chỉ là bếp than hồng có ngô, khoai nướng cũng đủ thơm lừng cả góc phố đầy mời gọi. Và phố Hội đẹp hơn khi khoác lên mình chiếc áo đầy khêu gợi ban đêm, một vẻ đẹp chuẩn mực của những giá trị cổ truyền bồi đắp qua bao thế hệ nay được soi chiếu bởi thứ ánh sáng màu huyền ảo. Đặc biệt, người dân trong phố cổ vẫn giữ được lệ xưa khi vào đêm trước ngày rằm nhà nhà tắt hết đèn điện, thay vào đó họ thắp sáng những chiếc đèn lồng truyền thống và bày biện hoa trái, thắp hương trầm khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng trước một không gian trầm mặc, thanh tịnh. Việc làm này không những bảo tồn được giá trị cổ mà còn là cách làm du lịch độc đáo của người dân Hội An khi biết tận dụng khai thác tiềm năng sẵn có để hấp dẫn và thu hút du khách. Cũng vì thế mà nơi đây luôn là điểm thu hút du khách nước ngoài và trong nước.
(Luôn được cả khách tây và ta ưa chuộng - Ảnh: ChiLê/Vietnam+)
Cuối phố bên dòng sông Hoài, sân khấu của đêm hội bài chòi thường được tổ chức vào thứ Bảy hàng tuần có vẻ xôm tụ và rộn ràng hơn cả với âm thanh của những lời ca hòa tấu cùng giai điệu lả lơi của đờn cò, kèn, sanh, trống. Anh hiệu (tức người hô thai) chốc chốc lại xốc ống bài, rút ra một con và dẫn dắt cuộc chơi bằng những câu hát có liên quan tới con bài. Khán giả cả Tây và ta ngồi quanh chăm chú ngồi theo dõi và thích thú reo hò khi tên quân cờ của ai đó được nhắc đến trong câu hát…
(Đêm hội bài chòi cuối tuần - Ảnh: ChiLê/Vietnam+)
Và "Tranh tối…" Một thập kỷ có lẻ qua kể từ ngày được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, đô thị cổ Hội An về cơ bản vẫn giữ được diện mạo cũng như cái hồn vía rêu phong phố Hội từ hàng trăm năm cũ. Thế nhưng, theo thời cuộc Hội An cũng không thể tránh những “trở mình” khó cưỡng trong chặng hành trình phát triển. Theo đó, như một người tâm huyết với Hội An từng chua xót nhận định rằng: “Hội An đang tìm về tuồng tích xưa bằng nhiều dáng vẻ. Đó là khuôn mặt rất ‘tây’ của người thích làm du lịch, là khuôn mặt đăm chiêu của doanh nhân khi muốn kinh doanh những sản phẩm văn hóa, là vẻ ‘huyền bí’ của người đi tìm cổ vật… Khi dung hòa nhiều diện mạo như vậy, nếu chỉ ‘cưỡi ngựa xem hoa’ thì chỉ thấy một trò tuồng vụng về, thô kệch.” Tạm gác lại những “điểm cộng” thì phố cổ Hội An vẫn còn đó những “điểm trừ” khó giải quyết. Như vấn đề ô nhiễm môi trường ở kênh Chùa Cầu (hồn cốt của phố cổ Hội An với hàng ngàn lượt du khách tham quan mỗi ngày), là nhiễu loạn sản phẩm lưu niệm văn hóa đặc trưng… Kênh Chùa Cầu vài năm trở lại đây đen ngòm, ô nhiễm trầm trọng không chỉ làm khổ cư dân sống dọc bên kênh mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh du lịch Hội An. Nguyên nhân do nước thải từ các hộ dân và doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn xả thẳng chưa qua xử lý ra cống dọc theo các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Phan Chu Trinh, Bà Triệu, Hai Bà Trưng…
(Kênh Chùa Cầu đen ngòm và bốc mùi... - Ảnh: ChiLê/Vietnam+)
Thành phố Hội An và tỉnh Quảng Nam đã đưa ra nhiều giải pháp xử lý song đến nay tình trạng du khách đi qua Chùa Cầu phải… bịt mũi vẫn còn tiếp diễn. Đặc biệt, ngoài đèn lồng là “sản vật” của Hội An thì đến đây du khách thường lâm vào cảnh hoa mắt chóng mặt trước vô số chủng loại hàng lưu niệm được bày bán nhà nào cũng giống nhà nào từ quần áo, khăn, túi, vòng… đến giày dép. Và, rất nhiều du khách biết rõ xuất xứ của chúng đa phần “made in China,” nếu không cũng là những thứ đồ nhan nhản ở nhiều nơi họ đi qua, hoặc nếu được “made in Hoi An” thì cũng là những mặt hàng chất lượng thấp. Thậm chí về phố Hội du khách vẫn có thể mua được những chiếc túi thổ cẩm xuất xứ từ các tỉnh Tây Bắc hay lọ hoa, bát đĩa Bát Tràng.
(Bên cạnh sự chỉn chu của những sắc màu tươi sáng - Ảnh: ChiLê/Vietnam+)
Trước thực trạng còn tồn tại của địa phương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam ông Đinh Hài cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng một chiến lược lồng ghép văn hóa du lịch. Đây là một chiến lược dài hạn, mục tiêu là bảo tồn văn hóa, bảo tồn thiên nhiên và phát huy kinh tế du lịch tại ba địa điểm: Hội An, Mỹ Sơn, Cù Lao Chàm để làm sao mỗi nơi định hình được những điều kiện đảm bảo cho phát triển du lịch mà không phá vỡ bản sắc văn hóa của địa phương.” “Chiến lược này sẽ được áp dụng trong suốt quá trình phát triển của tỉnh Quảng Nam,” ông Hài khẳng định./.
ChiLê (Vietnam+)